Thời gian qua, tình trạng chống người thi hành công vụ đối với lực lượng kiểm lâm thường xuyên xảy ra, mới đây nhất là vụ lâm tặc tấn công cán bộ kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm Hương Khê (Hà Tĩnh). Ông có thể cho biết khái quát về tình hình này?
- Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2014 đến nay đã xảy ra 40 vụ chống người thi hành công vụ, làm bị thương 34 người, trong đó có 19 công chức kiểm lâm và 15 cán bộ bảo vệ rừng, làm chết 1 cán bộ bảo vệ rừng. Các vụ chống người thi hành công vụ xảy ra chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, điển hình như Bình Thuận 6 vụ; Lâm Đồng 5 vụ; Đăk Nông 8 vụ; Đăk Lăk 3 vụ; Hà Tĩnh 4 vụ; Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) 4 vụ.
Đáng chú ý là thời gian gần đây, các vụ việc chống người thi hành công vụ diễn ra hết sức phức tạp và có tổ chức. Khi lực lượng thi hành công vụ tiến hành biện pháp ngăn chặn, các đối tượng thường không chấp hành, chống đối, lăng mạ, tập trung đông người hành hung lực lượng thực thi công vụ, cướp lại tài sản, tang vật vi phạm; thậm chí còn khống chế lực lượng thực thi pháp luật, cướp tài sản, đốt phá tài sản của Nhà nước...
Theo ông, vì sao các đối tượng lâm tặc ngày càng manh động như vậy?
- Theo tôi, có điều này là do nhu cầu mưu sinh, lối sống đạo đức của một bộ phận bị thoái hóa, xuống cấp, thậm chí coi thường kỷ cương pháp luật, do đó khi bị đối tượng xấu lôi kéo, kích động, xúi giục dễ nảy sinh hành vi chống người thi hành công vụ. Ngoài ra, trình độ hiểu biết, nhận thức pháp luật của một bộ phận quần chúng nhân dân cũng còn thấp, dẫn tới tình hình chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp, tội phạm hoạt động liều lĩnh với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Mặt khác, các hành vi chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng cũng chưa được các cơ quan chức ở địa phương quan tâm và xử lý nghiêm minh, dẫn tới tâm lý coi thường pháp luật, nhất là các phần tử xấu càng có cơ hội lôi kéo, kích động nhiều người tham gia chống người thi hành công vụ.
Một số cán bộ kiểm lâm ở địa phương phản ánh rằng trang bị của lực lượng vẫn còn thô sơ, trong khi nhiều lâm tặc có phương tiện hiện đại hơn, khiến công tác đấu tranh bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Thời gian vừa qua, được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ NNPTNT đã trang bị cho lực lượng kiểm lâm một số trang thiết bị phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên không thể thay đổi, bổ sung các loại trang thiết bị hiện đại như ô tô, xe máy phân khối lớn, các phương tiện thông tin liên lạc...
Được biết, Cục Kiểm lâm đã xây dựng đề án nâng cao năng lực kiểm lâm, xin ông cho biết nội dung chủ yếu của đề án này?
- Thực tế cho thấy, tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, nhất là hành vi phá rừng trái phép và chống người thi hành công vụ còn diễn ra ở nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội; đời sống của người dân sống trong và gần rừng còn nhiều khó khăn nên đã có tác động tiêu cực đến công tác quản lý bảo vệ rừng. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên do tổ chức, năng lực của lực lượng kiểm lâm còn hạn chế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị... chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy Cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng Đề án “Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của kiểm lâm giai đoạn 2014-2020”, báo cáo Bộ NNPTNT trình Chính phủ.
Đề án được phê duyệt sẽ góp phần kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan kiểm lâm các cấp; tăng cường nguồn nhân lực của kiểm lâm, tiêu chuẩn hóa công chức kiểm lâm; tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động bảo vệ rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ rừng; đào tạo, tập huấn cho kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng...
Xin cảm ơn ông!