Theo ông Dũng, sau khi tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp lấy ý kiến các bộ, ngành và hiệp hội, doanh nghiệp ngày 9.9, ban soạn thảo đã bỏ quy định cấm bán bia vỉa hè. “Nếu Bộ Công Thương đưa ra quy định cấm bán bia vỉa hè sẽ gây ra chồng chéo trong các văn bản quy định”, ông Dũng cho hay.
Hình ảnh phổ biến tại phố Tạ Hiện (Hà Nội).
Theo ông Dũng, qua nghiên cứu và tham khảo các đơn vị thì những quy định nào đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật khác thì sẽ bỏ ra. Cụ thể, việc cấm bán hàng vỉa hè đã được quy định trong các văn bản của ngành giao thông, quản lý đô thị, không chỉ riêng mặt hàng bia. Ngoài ra quy định cấm bán bia vỉa hè là không đầy đủ bởi các mặt hàng khác bán trên vỉa hè sẽ tính toán ra sao.
“Vì vậy việc đưa quy định cấm bán bia vỉa hè là không chuẩn xác. Tuy nhiên, cấm bán hàng vỉa hè cũng là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý đô thị”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho biết ban soạn thảo cũng đã chuyển từ quy định cấm bán bia cho bà mẹ mang thai, cho con bú, người có biểu hiện say rượu thành khuyến cáo, cảnh báo trên sản phẩm, bao bì.
“Trách nhiệm của doanh nghiệp là cảnh báo người uống. Đây là sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế hơn. Riêng với quy định cấm bán bia cho người dưới 18 tuổi vẫn giữ nguyên” - vị này nhấn mạnh.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất bia cho rằng nếu giao trách nhiệm cho doanh nghiệp dán tem cảnh báo trên bao bì sản phẩm thì chi phí lại đội lên.
Theo tính toán của doanh nghiệp, với sản lượng bia của Việt Nam hiện nay khoảng 3 tỷ lít/năm, cần đến 1.600 tỷ đồng cho các con tem. Trong khi đó hiệu quả từ cảnh báo không lớn, quan trọng là từ ý thức người tiêu dùng.