Từ cậu học trò nhỏ đến chủ tịch Hội sinh viên châu Á
Được bố mẹ tạo điều kiện cho sang Mỹ học ngay từ năm lớp 11, cậu học trò Lê Thái Huy (1993, TP.HCM) đã luôn cố gắng để không thua kém bạn bè cùng trang lứa. Dù phải học lại một năm nhưng Huy luôn lọt vào top 50 học sinh có điểm cao nhất toàn trường và hoàn thành tốt các bài thi chuẩn hóa (SAT 1780/2400, ACT 27/32, TOEFL iBT 98/120).
Lê Thái Huy hiện là du học sinh tại trường Đại học New Hampshire (Mỹ)
Ngay từ những năm cấp 3, Huy đã có sở thích đặc biệt với lĩnh vực kinh doanh. Vì thế, 2 môn hướng nghiệp trong trường là Nhập môn kinh doanh và Kế toán luôn được cậu bạn hoàn thành xuất sắc với điểm A. Với thành tích đó, Lê Thái Huy đã được giáo viên đề xuất là 1 trong 3 học sinh của trường cấp 3 nhận giải có thành tích cao môn Kinh doanh và Marketing 2013 (Business and Marketing Achievement Award 2013).
Huy chia sẻ: "Trong buổi lễ trao thưởng, mình không hề nghe thấy tên mình được xướng lên, vì thế lúc ấy buồn lắm. Bao nhiều cố gắng nỗ lực. Ngờ đâu, khi thầy giáo gọi tên mình nghe không ra. Chữ Huy bên đó được phát âm gần giống với Hờ-oai ý. Sau đó, giáo viên phụ trách mới tìm mình để thông báo kết quả và giải thích với toàn trường về sự cố đọc sai tên. Hiện giờ, bằng khen đang được bà nội mình cất giữ, như một một quà nhỏ dành tặng bà".
Giải thưởng Business and Marketing Achievement Award 2013 Huy đạt được ở cấp 3
Kết thúc lớp 11, cậu học sinh Lê Thái Huy nhận ra rằng, để đạt chân vào những trường ĐH ở đất nước này, bạn không chỉ cần học giỏi mà còn phải có thêm nhiều kỹ năng khác. Vậy là ngoài cuốn sách ôn luyện SAT giá 10 đô, Huy đặt mục tiêu trong hè lớp 11 tập trung ôn ACT (kì thi chuẩn hoá giống SAT và thêm môn Tự nhiên) và đi tình nguyện; vào năm 12 sẽ tham gia Câu lạc bộ Bơi lội, Chìa khoá vàng, Hội đồng học sinh,… Huy cho rằng, việc này không chỉ giúp cải thiện bộ hồ sơ Đại học mà còn bổ sung kĩ năng mềm và gián tiếp dẫn bạn đến chức Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam (VSA) tại Đại học New Hampshire.
Đến khi vào ĐH, Huy lại hăm hở tìm hiểu về hội sinh viên Việt Nam của trường mình. Tuy nhiên lúc này hội đang tạm ngừng hoạt động do các thành viên không đủ thời gian quản lý. Thời điểm ấy, Huy đã cùng 4 người bạn khác chủ động liên hệ với chủ tịch các hoạt động của trường xin phép xây dựng lại VSA.
Huy đội nón lá và đi ghe trong chuyến du lịch hè vừa qua
Huy hào hứng chia sẻ: “Năm đầu tiên trở lại, VSA đã gây ấn tượng bằng một loạt các hoạt động như: giới thiệu về ngành trồng café Vietnam với café Chồn nổi tiếng, sự kiện Tết Âm Lịch, Phở Challenge. Từ 1 tổ chức gọi là Inactive on campus (hoạt động nhỏ lẻ), hiện VSA đã trở thành tổ chức có tiếng và là ngôi nhà chung của tất cả các bạn không chỉ là người Việt mà còn từ những quốc gia khác".
Bước đệm này đã tạo điều kiện để Huy tranh cử và đắc cử vị trí chủ tịch Hội sinh viên châu Á (United Asian Coalition) tại trường. Chàng trai Sài thành nói: “Khi cơ hội đến với mình thì mình phải biết tận dụng, và phải biết cách tự tạo cơ hội cho mình”.
Huy (áo dài xanh) trong hoạt động mừng Tết Nguyên đán của VSA
Trải qua nhiều vòng thi chuyên nghiệp và gay go, Huy đã thuyết phục mọi người bởi bài diễn thuyết về mục đích tham gia, khả năng và kinh nghiệm lãnh đạo cũng như thành tựu đạt được (biến VSA từ Hội "thụ động" thành "năng động"). Đặc biệt là câu trả lời chất vấn “Nếu bạn là Chủ tịch, bạn sẽ xem mình là thủ lĩnh hay thành viên”. Huy đã trả lời: Tôi chắc chắn sẽ nhìn mình như một thành viên của nhóm bởi mỗi vị trí trong ban điều hành đã là người lãnh đạo. Chúng tôi sẽ làm việc công bằng như một đội, chia sẻ và phân chia công việc mà không quan tâm đến chức vụ mỗi người đang đảm nhiệm".
Từ chụp ảnh tay ngang đến chủ studio ở trường đại học
Dù mới làm quen với máy ảnh chuyên nghiệp được 1 năm rưỡi do gia đình có nhu cầu, Huy đã nhanh chóng học hỏi và thực hành "một mình" trên đất khách. Đầu tiên là chụp ảnh du lịch của gia đình rồi mày mò học cách sử dụng. Cứ rảnh rỗi là lôi máy ảnh ra chụp, mọi lúc mọi nơi. Huy nói thêm: “Mình mang nó theo khắp nơi, những lúc stress bài vở hoặc buồn chuyện gì đó thì người và máy ảnh đi đến nơi có cảnh đẹp đặc biệt là những ngọn hải đăng ở vùng biển phía Bắc Mỹ”.
Theo Huy, sở thích chụp ảnh của mỗi người là khác nhau, cũng giống như nếm thức ăn, có người thích mặn, người thích ngọt. Riêng bạn, bạn thích nhất chụp street-life (cuộc sống đường phố) ghi lại những khoảnh khắc thật của cuộc sống và mọi người xung quanh đều là người mẫu với cảm xúc thật.
Bức ảnh về 2 mảng màu sáng tối ở Sài Gòn
Đặc biệt, Huy thích khai thác những mảng sáng, tối ở Sài Gòn. Ít ai biết được Huy là chủ nhân của bức ảnh sự tương phản ở Sài Gòn, nhận được hàng nghìn lượt thích và chia sẻ trên mạng xã hội của một hot blogger.
Sau khi đã thành thạo với công việc này, Huy đã quyết định mở một studio riêng để kiếm thêm thu nhập. Huy nói rằng, thời điểm ấy cậu đã tự hỏi mình: “Sau khi đầu tư cũng khá nhiều vào nhiếp ảnh chỉ để thư giãn và sở thích thì tại sao lại không dùng những thứ mình đang có để tạo ra tiền". Dù thời điểm đó, Huy đang có công việc nhiếp ảnh bán thời gian tại trường với mức lương 9,5 đô/giờ”.
Với công việc này, chàng trai Sài thành cũng kiếm được kha khá tiền để phục vụ cho cuộc sống. Bởi lẽ, chỉ riêng nhận chụp hình chân dung (Business Profile Photo) cho các bạn sinh viên nộp hồ sơ xin việc, CV hay ảnh đại diện online LinkedIN cũng khiến cậu bạn làm không xuể. Số lượng sinh viên tại trường khá đông, riêng bậc Đại học đã chiếm 16.000 người nên chỉ cần 5$/người là đủ tiền sinh hoạt vài tháng.
Khi được hỏi sau này liệu có quay về Việt Nam, Huy thẳng thắn trả lời: “Mình yêu cuộc sống ở Sài Gòn, ở Việt Nam. Cho dù sau này có làm ở nước đi nữa thì mình vẫn sẽ hướng về Việt Nam. Có thể mình sẽ phải làm ở nước ngoài thời gian đầu để có kinh nghiệm làm việc, rồi sau này nếu có cơ hội thì sẽ về nước vì không nơi nào bằng nơi mình sinh ra”.
Xem thêm những hình ảnh khác của Thái Huy:
Cậu cũng là thành viên nòng cốt của tổ chức IMVenture
Thái Huy đang thuyết trình về Phở - món ăn đặc trưng ở Việt Nam
Huy (hàng trên, thứ hai từ phải sang) cùng đội bóng đá của trường
Tấm hình chụp street-life mà Huy tâm đắc tại Hà Nội.