Dân Việt

Địa phương được... nợ nhiều hơn

Lương Kết 03/10/2014 16:34 GMT+7
Hầu hết các địa phương đã đề nghị nâng mức trần dư nợ huy động theo nhóm tỉnh khác nhau (từ 50 - 200%) tùy theo khả năng cân đối và trả nợ của từng tỉnh. 

Sáng 2.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật NSNN (sửa đổi). Theo báo cáo của Chính phủ qua tổng kết thi hành Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) hầu hết các địa phương đã đề nghị nâng mức trần dư nợ huy động theo nhóm tỉnh khác nhau (từ 50 - 200%) tùy theo khả năng cân đối và trả nợ của từng tỉnh. Theo Luật NSNN hiện hành quy định, mức dư nợ từ nguồn vốn huy động của ngân sách cấp tỉnh không vượt quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh, riêng Hà Nội và TP.HCM được áp dụng cơ chế đặc thù là 100%; gần đây, Chính phủ báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận cho phép TP.HCM mức dư nợ từ nguồn vốn huy động không vượt quá 150%.

Để cụ thể hóa vấn đề trên, dự thảo luật đã quy định: Đối với Hà Nội, TP.HCM, mức dư nợ nguồn vốn huy động không vượt quá 150% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có tỷ lệ % đối với các khoản thu phân chia về ngân sách T.Ư, mức dư nợ nguồn vốn huy động không vượt quá 100% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nhận bổ sung cân đối từ NSTƯ, mức dư nợ nguồn vốn huy động không vượt quá 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh.

Một điểm đáng chú ý của dự thảo luật là đưa khoản thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (XSKT) vào cân đối ngân sách, nhưng để đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội. Góp ý vào dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình với quy định này. Theo ông Lưu, đã có chủ trương nguồn thu từ XSKT dùng cho dự án phúc lợi y tế giáo dục, nhưng nhiều địa phương lại đầu tư vào mục đích khác, giờ phải quy định vào luật.