Dân Việt

Giữ bằng mọi giá hồn cốt văn hóa Hà Nội

Vinh Hải- Long Nguyên 04/10/2014 06:47 GMT+7
Ngày 3.10, UBND TP.Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “60 năm giải phóng Thủ đô - thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển”. Tại hội thảo, các đại biểu đều tập trung nhấn mạnh: Việc gìn giữ, phát huy vai trò của trung tâm cốt lõi về văn hóa, di sản của thủ đô Hà Nội là vô cùng quan trọng, mang tính bản lề. 

Phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định: “Lãnh đạo thành phố mong muốn các nhà khoa học, các đại biểu dự hội thảo tiếp tục dành tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của mình đóng góp với thủ đô trên những vấn đề hội thảo đặt ra, để Hà Nội phát huy hơn nữa những bài học kinh nghiệm quý báu đã qua; hạn chế khắc phục những yếu kém, khuyết điểm đang tồn tại”.

Trong các tham luận được trình bày tại hội thảo, tham luận của Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: “Sau khi mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội, hiện nay TP.Hà Nội có diện tích tự nhiên là 332.890ha với số dân trên 6,87 triệu người, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là gần 190.000ha. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án xây dựng nông thôn mới TP.Hà Nội, có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới đã được UBND thành phố quyết định công nhận, 153 xã đạt và cơ bản đạt từ 14-18 tiêu chí, 148 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-13 tiêu chí. Đại hội đảng bộ thành phố lần thứ XV đã đề ra định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn thủ đô theo hướng hiện đại, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực nông thôn bình quân từ 8-10%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng về sản xuất nông nghiệp đạt trên 2%/năm”.

Giữ trung tâm cốt lõi vì Hà Nội nghìn năm

Cũng tại hội thảo, trao đổi với báo chí, Giáo sư sử học Phan Huy Lê chia sẻ: “Rất hiếm có thủ đô nào trên thế giới có lịch sử hào hùng, lâu đời như Hà Nội. Điều đó đã giúp Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có một di sản văn hóa. Theo tôi, đây là di sản vô giá và là ưu điểm tuyệt đối của Hà Nội. Vấn đề là làm thế nào để vừa phát triển Hà Nội theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được di sản đó, để những giá trị này thấm sâu vào cuộc sống, để Hà Nội mãi mãi mang sắc thái, phong cách riêng. Theo tôi, nên thừa nhận Hà Nội hiện nay là vùng không gian văn hóa đa dạng”. Mặc dù vậy, Giáo sư Lê cũng nhấn mạnh: “Chúng ta phải chấp nhận Hà Nội có không gian hoàn toàn mới, nhưng trong đó, cần bảo vệ trung tâm cốt lõi thật tốt để tỏa chiếu ra xung quanh”.

Còn bà Katherine Muller-Trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhận định: “Phong phú về văn hóa, Hà Nội độc đáo, đầy màu sắc, năng động và nhộn nhịp. Hà Nội có khả năng hòa nhập cái cũ với cái mới, truyền thống với hiện đại. Tăng cường bảo vệ di sản văn hóa như một kho báu của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung là ưu tiên của quốc gia và của UNESCO”.

Kết thúc hội thảo, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thay mặt lãnh đạo thành phố tiếp thu những ý kiến thảo luận và khẳng định: Hà Nội sẽ điều chỉnh, bổ sung công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý trong thời gian tới với tinh thần phát huy truyền thống và thành tựu của thủ đô.

 Ở tuổi 100, được mời phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Vũ Khiêu chia sẻ: “Tuy tuổi cao, sức yếu, chân chậm, mắt mờ, nhưng ngày nào còn gắn bó với Hà Nội, ngày đó tôi còn cống hiến, đóng góp sức mình cho thủ đô”.