Nhà bà Bông nằm sâu hút cuối con đường nhỏ nham nhở ổ voi, ổ gà dẫn vào tổ 12, phường Thủy Phương. Năm tháng chờ đợi đằng đẵng và những cực nhọc đã khiến mái tóc người phụ nữ 59 tuổi này đã gần như bạc trắng. Trong kháng chiến chống Mỹ, cũng như bố mẹ và 4 người em trai, bà Bông tích cực tham gia phục vụ cách mạng. Con sông Vực gần nhà bà là giới tuyến giữa ta và địch.
Chuyện tình cổ tích
Nhà bà là nơi bộ đội trú quân kháng chiến. Các thành viên trong gia đình bà làm nhiệm vụ lo lương thực nuôi quân, làm liên lạc, chèo đò đưa bộ đội qua sông Vực mỗi ngày. Trong những ngày khói lửa ác liệt ấy, tình yêu giữa bà và anh bộ đội tên Nguyễn Văn Ty (quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa) nảy nở.
Lúc đó anh Ty vừa tốt nghiệp một trường đại học ở Hà Nội nhưng xung phong lên đường đánh giặc. Một tình yêu đẹp với biết bao mộng mơ và hẹn ước, bất chấp chiến tranh khiến mạng sống con người mong manh như ngọn cỏ. Người dân trong vùng và những người lính cùng đơn vị với anh Ty ra sức tác hợp cho cặp trai tài gái sắc. Đôi trẻ nguyện lấy nhau làm vợ chồng khi đất nước thống nhất.
Nhưng hoàn cảnh chiến tranh khiến con người ta không ngờ trước được bất cứ điều gì. Thời gian để bà và anh lính trẻ gần nhau không nhiều. Năm 1972, không bao lâu sau khi hai người công khai tình yêu, anh Ty được điều động vào miền Nam chiến đấu. Bà lúc đó là người con gái 17 tuổi, chia tay người yêu trong nước mắt vắn dài, nhưng vẫn tin tưởng tuyệt đối rằng anh lính trẻ sẽ trở về tìm mình và hai người sẽ tổ chức đám cưới.
Những kỷ vật của người yêu đưa lại cho bà Bùi Thị Bông niềm tin và nghị lực để sống. (Ảnh: An Sơn)
Trước khi cùng một số đồng đội hành quân vào Nam, anh Ty trao cho bà một số giấy tờ tùy thân, tấm bằng đại học và một số vật dụng của lính để bà giữ. “Anh nói đưa cho tui những thứ này để làm tin và khẳng định chắc chắn sẽ trở lại tìm tui khi đất nước sạch bóng quân thù” - bà kể.
Huyền thoại về lòng thủy chung
Ngày đó, vùng đất Thủy Phương thường xuyên bị giặc càn quét, những gia đình nuôi giấu bộ đội đều bị giết hại và đốt phá nhà cửa nếu giặc phát hiện. Để đảm bảo bí mật, bà Bông bỏ những kỷ vật của người yêu vào một lon đựng sữa rồi đem chôn ở một góc vườn. Những lúc nhớ người lính trẻ, bà lại bí mật đưa những kỷ vật này lên xem. Chiến tranh gian khổ nên đôi trẻ không có điều kiện thư từ cho nhau.
Bà Bông và người em trai tàn phế tên Bùi Tu đã 52 tuổi nhưng vẫn phải chăm sóc như đứa trẻ lên 3. (Ảnh: An Sơn)
Cùng thời gian này, địch bắt đầu dùng chất độc hóa học để hủy diệt vùng đất bộ đội ta bám trụ. Hàng ngày, từ dòng sông Vực cạnh nhà bà, giặc thả chất độc thành những làn khói mờ đục có mùi hắc vào thôn. “Lúc đầu, cả thôn không ai biết đó là chất chi. Chỉ biết khi chất này tràn vào thôn, cây cối trong vườn nhà tui và trong thôn ni rụng lá trọc lóc hết. Mấy anh bộ đội trong nhà tui bảo đó là chất độc hóa học” - bà nhớ lại.
Rồi chiến tranh đi qua, mặt đất trở lại yên tĩnh nhưng hậu quả để lại khiến người dân vùng Thủy Phương kinh hoàng. Nhiều người thân của bà lần lượt ra đi vì bệnh tật do hóa chất gây ra, những người còn lại thì sống trong cảnh phế tàn. Nhưng những mất mát và sự cực nhọc không không làm héo tàn con tim yêu thương của bà. Đất nước thống nhất, những chàng trai trong vùng và những người lính từng bám trụ tại Thủy Phương trước khi vào miền Nam chiến đấu lần lượt về. Bà chờ mãi vẫn không thấy người lính tên Ty tìm mình nhưng vẫn tin rằng người yêu sẽ trở về.
Hàng ngày bà vẫn đưa những di vật của người yêu ra xem. Những mẩu giấy bà bỏ vào lon sữa năm nào cũng dần úa tàn và mục rữa theo thời gian chờ đợi. Bà luôn sống trong sự thấp thỏm hy vọng. Ngày nào hễ nghe người ta bảo có người lạ đến vùng Thủy Phương là bà lại thảng thốt chạy ra xem mặt để rồi lại thất vọng. “Đến nay tui đã chờ đợi anh tròn 42 năm. Có thể anh đã ngã xuống trong chiến tranh nhưng tui vẫn chờ, vì tui không tin rằng anh đã hy sinh. Tình yêu tui dành cho anh vẫn vẹn nguyên như thuở nào” - bà nói với đôi mắt đỏ hoe.
Nghe bà kể mới hiểu vì sao bà đã dành gần cả cuộc đời mình để chờ đợi người lính trẻ, mặc dù sau ngày hòa bình, có rất nhiều chàng trai ngỏ lời lấy bà làm vợ. Tình yêu ấy, sự thủy chung ấy thật hiếm gặp.
“Hàng ngày tôi vẫn đưa những kỷ vật của người yêu ra xem. Dù những kỷ vật này đã bạc màu, mủn nát theo thời gian nhưng nó là nguồn động viên, đưa lại cho tôi niềm tin và nghị lực để sống…” - Bà Bùi Thị Bông
Trinh nữ làm “mẹ”
Sau chiến tranh, mẹ bà bắt đầu mắc chứng bệnh lạ. Cả vùng không ai biết mẹ bà mắc bệnh gì, chỉ biết rằng do chất độc hóa học gây ra. “Một vết thương ở chân mẹ cứ lở ra rồi lan đến tận xương chậu. Mẹ tui sống trong vật vã vì vết thương hành hạ, một thời gian sau thì mất”- bà nhớ lại. Mẹ qua đời cũng là lúc người em út của bà tên là Bùi Dư bắt đầu ngã bệnh.
Chân anh Dư ngày càng bị co quắp, đi lại hết sức khó khăn. Trong một trận lụt, để lo thức ăn cho cả nhà, anh Dư lê từng bước khó nhọc đi bắt cá. Vì thấy con về muộn, người cha đi tìm. Phát hiện anh Dư bị mắc kẹt trong cống thoát nước, người cha vào cứu con thì cả hai cha con bị chết ngạt trong cống. Thế là hai nỗi đau khác lại giáng lên gia đình bà. Bà trở thành trinh nữ làm “mẹ”, tần tảo làm lụng nuôi 3 người em còn lại.
Nhưng đau thương vẫn không chịu buông tha gia đình người phụ nữ nghèo khó này. Ba đứa em trai của bà cũng lần lượt mắc chứng bệnh lạ, hai chân co quắp và dính vào nhau, hoàn toàn mất cảm giác và không đi lại được. “Thằng Tới, thàng Tu rồi đến thằng Hộ lần lượt ngã bệnh. Cả nhà còn hai con trâu, tui phải bán để đưa chúng đi viện, nhưng bệnh viện trả lời là không chữa được, tui đành đưa chúng về” - bà kể rồi nâng vạt áo lau những giọt nước mắt lăn dài trên hai gò má.
Rồi bệnh tình 3 người em của bà ngày càng nặng. Một mình bà vừa phải tần tảo ruộng đồng vừa phải chăm sóc 3 người bệnh. Những lúc bà đau ốm, không có ai bón cơm đút cháo cho em. Mới đây, người em tên Hộ vì không chống chọi nổi với sự hành hạ của bệnh tật nên đã qua đời. Rồi chính bản thân bà cũng đổ bệnh, các khớp chân và tay liên tục đau nhức.
“Mấy năm trước, vì đau không chịu nổi, tui bòn chài được 150 nghìn đi viện, nhưng không đủ tiền lo thủ tục nên đành quay về và để liều như vậy” - bà tâm sự. Sau những phút nghẹn lời, bà nhớ lại chuyện 15 năm trước: “Trận lụt năm 1999, tui mải cứu lấy đồ đạc, ngoảnh lại thì nước đã ngập hết 3 đứa em, tui lôi chúng lên mô đất cao rồi lại lặn lội vớt đồ đạc. Đến khi kiệt sức, tui ngã quỵ xuống giữa mưa, mấy đứa em chỉ biết nhìn và khóc trong bất lực”.
Hiện hai người em trai Bùi Tu và Bùi Tới của bà tuổi đã ngoài 50, tóc đã điểm bạc nhưng hàng ngày bà vẫn phải chăm lo mọi thứ. “Trước đây thằng Tu có đứng được nhưng chỉ khoảng 5 phút rồi lại ngã lăn ra vì đau. Người ta cho đôi nạng gỗ, tui bảo nó tập đi nhưng khó khăn lắm vì chân của nó cứ ép vào nhau, không bước nổi, được cái nó cũng chịu khó tập. Còn thằng Tới thì đi bằng tay cũng không được” - bà kể thêm.
Nhìn thân hình già nua của bà bên 2 người em tóc đã ngả bạc mà không hơn gì đứa trẻ mới chào đời, tôi không cầm được nước mắt. Hai sự sống lay lắt đó đang nương tựa vào tấm thân gầy mòn của bà. Nhưng rồi tôi chợt ấm lòng khi bà bảo những mất mát và sự cực nhọc không thể làm héo úa tâm hồn mình.
Khi tôi nhắc đến người lính trẻ năm nào, đôi tay gầy guộc của bà lại thảng thốt lần tìm những kỷ vật của người yêu đã mục rữa được đựng trong một túi bóng đã ố vàng. “Hàng ngày tôi vẫn đưa những kỷ vật của người yêu ra xem. Dù những kỷ vật này đã bạc màu, mủn nát theo thời gian nhưng nó là nguồn động viên, đưa lại cho tôi niềm tin và nghị lực để sống. Tôi sẽ không gục ngã, vì hai người em, vì ngọn lửa tình yêu không lụi tàn...” – bà bộc bạch.