Kỷ lục bắn 14 quả đạn B41 của người lính K8 quả cảm
Trong bộ quân phục mới, ngực lấp lánh huân chương, cuộc giao lưu của những cựu chiến binh với thế hệ lính trẻ nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trung đoàn trải dài như bất tận… Trong những chiến công hiển hách, những giờ phút bi hùng của hành trình 35 năm đánh giặc, câu chuyện về cựu chiến binh Đỗ Xuân Cường đã gây niềm xúc động sâu xa…
Cuối tháng 2.1968 sau khi chiếm lại Huế, địch áp dụng chiến lược “quét và giữ” nhằm đẩy lực lượng ta ra xa thành phố. Trước tình hình đó, K8 (nay là Tiểu đoàn 5) được lệnh hành quân xuống phía đông huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) để phối hợp với lực lượng địa phương củng cố chính quyền cách mạng… Mờ sáng ngày 26.3, K8 hành quân tới làng Phước Yên, xã Quảng Thọ thì bị địch phát hiện. Chúng huy động 2 tiểu đoàn lính Mỹ, 5 tiểu đoàn ngụy vây kín làng hòng ép K8 ra hàng. Dù đương đầu với lực lượng địch đông và hỏa lực mạnh gấp nhiều lần, K8 vẫn không nao núng. Sau gần một tuần quần nhau với địch, K8 đã tiêu diệt hơn 200 tên Mỹ - ngụy. Tuy vậy K8 cũng đã bị tổn thất hơn 2/3 quân số…
Chiều 3.8, khi Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 3 tới giải vây bất thành, K8 lâm vào tình thế vô cùng nguy ngập. Trước tình hình đó, Đỗ Xuân Cường và Ngô Quang Quy xung phong cảm tử phá vây. Tất cả đạn B41 của Đại đội 2 được gom lại giao cho hai người. Đỗ Xuân Cường đã bắn đến quả đạn thứ 14 – một kỷ lục có lẽ chưa ai vượt qua trên chiến trường – diệt nhiều thiết giáp và bộ binh địch; mở con đường máu cho 46 cán bộ, chiến sĩ thoát khỏi vòng vây… Tuy nhiên khi bắn đến quả đạn cuối cùng, Đỗ Xuân Cường cũng bị thương vào đầu bất tỉnh. Tưởng đồng đội đã hy sinh, Ngô Quang Quy lấy lá và đất lấp sơ định sẽ quay lại tìm sau…
Nhưng Đỗ Xuân Cường chưa chết! Địch phát hiện, chữa trị để khai thác rồi đày Cường ra trại tù binh Phú Quốc. Anh khai tên là Đỗ Hồng Xuân và hai lần vượt ngục. Lần thứ nhất thất bại, Đỗ Xuân Cường bị địch đóng đinh vào gót chân trái. Lần thứ hai không thoát, anh bị giam vào chuồng cọp, bị bắt ngồi vào thùng phuy ngập nước, gõ cho ộc máu tai… Trong hồ sơ của Đỗ Xuân Cường, địch đã ghi “Được hỏi về ngày trở về thì tù binh nói sẽ hoạt động lại cho mặt trận. Với loại tù binh này cần phải câu lưu và giảng huấn về đường lối quốc gia nhiều”. (!)
Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Đức Thuận – một trong những người lính “bất tử” của trung đoàn tâm sự: “Để có ngày trở về vinh quang hôm nay, hơn ai hết chúng tôi là những người thấm thía cái giá để làm nên chiến thắng…”.
Thế trận mới giữa lòng dân
Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, tháng 4.1988 Trung đoàn trở về đứng chân trên vùng đất Đăk Pơ. Truyền thống “Cơ động, tiến công dũng mãnh, chốt giữ kiên cường” những năm tháng chiến tranh lại được thế hệ kế tục của trung đoàn phát huy trên thao trường. Nhiều năm liền trung đoàn được Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu “Đơn vị huấn luyện giỏi”, “Đơn vị quyết thắng”. Song hành với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, với tâm niệm thay mặt thế hệ đi trước trả nghĩa công ơn đùm bọc của đồng bào, trung đoàn đã tích cực giúp dân xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới…
Địa bàn đơn vị đứng chân chủ yếu là đồng bào dân tộc Ba Na. Lợi dụng dân nghèo, nhận thức hạn chế, kẻ xấu đã gieo rắc “tà đạo Hà Mòn”. Hàng tháng trời các tổ dân vận của trung đoàn đã thực hiện “ba cùng” để đồng bào hiểu rõ mưu đồ của những kẻ cầm đầu.
Từ xa lánh, quay lưng với bộ đội, đồng bào hai làng Kuk Kôn và Kuk Đăk đã trở lại thân thiện, coi cán bộ, chiến sĩ như người nhà… Với chỉ tiêu mỗi tiểu đoàn xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo, trung đoàn đã chọn những hộ khó khăn để tư vấn cách làm ăn, trực tiếp giúp công lao động. Năm 2014, bước đầu đã có 6 hộ nghèo của xã An Thành chuyển biến tích cực về đời sống…
Chưa kể hàng ngàn công lao động giúp dân các địa phương khác, cùng với những việc làm tình nghĩa tặng quà, khám chữa bệnh miễn phí, những chuyến hành quân dã ngoại “đi dân nhớ, ở dân thương”, hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ” của cán bộ, chiến sĩ trung đoàn trong mắt người dân hôm nay vẫn vẹn nguyên một niềm thương mến…