PV: Thưa ông Lâm Quang Thành, ông đánh giá thành tích của đoàn TTVN tại Asiad 17 là thành công hay thất bại?
- Trưởng đoàn Lâm Quang Thành: Chúng ta đã trải qua một kì Asiad với những vui buồn lẫn lộn. Đoàn thể thao Việt Nam có 21 đội tuyển, 3 đội tuyển đi theo hướng xã hội hóa, đi học tập và hội nhập.
Ở môn bóng đá, chúng ta đã có những thành công nhất định. Đối với môn bóng đá nam, chúng ta đã đứng đầu bảng H và điều này là tiến bộ so với những kì Asiad trước đó. Riêng đối với môn bóng đá nữ đã vào được đến vòng bán kết lần đầu tiên trong lịch sử.
Phải nói rằng các VĐV được chuẩn bị rất nghiêm túc. Chúng ta có tới 6 môn lần đầu tiên đoạt được huy chương ở đấu trường châu lục. Đó là xe đạp, boxing, bơi lội, đấu kiếm, cử tạ và thể dục dụng cụ. Kỳ Asiad này, đoàn thể thao Việt Nam đã được trải nghiệm rất nhiều. Một trong những yếu tố mà đoàn thể thao Việt Nam đã thể hiện được trong kì Á vận hội lần này, đó là sự nỗ lực và cố gắng hết mình. Nỗ lực đó được cụ thể bằng 36 huy chương, trong đó có 1 HCV, 10 HCB và 25 HCĐ.
Nếu tính về số lượng mà nói, đây là một số lượng không nhỏ. Nhưng nói về số lượng huy chương vàng, thì chúng ta chưa đạt được chỉ tiêu từ 2-3 HCV. Điều này nói lên công tác chuẩn bị của chúng ta đối với những môn thành công là tiến đúng hướng. Nhưng đối với những môn chưa thành công, phải nói rằng VĐV của chúng ta đã cố gắng hết mình. Đặc biệt có những môn chỉ ở trong giây phút cuối cùng, chúng ta để tuột mất huy chương rất đáng tiếc.
Thạch Kim Tuấn là một trong những VĐV đã bỏ lỡ HCV khá đáng tiếc. (Ảnh: Vũ Đăng).
PV: Ông đánh giá như thế nào khi một số môn được kỳ vọng giành huy chương cho thể thao Việt Nam như Taekwondo hay Karatedo đã thi đấu chưa thành công và không như mong đợi?
- Trưởng đoàn Lâm Quang Thành: Việc đánh giá chung và phân tích từng môn được thì các đội tuyển sẽ tổng kết và đánh giá trước khi về. Ngành TDTT sẽ tiến hành tổng kết và đánh giá nghiêm túc để cho chúng ta kinh nghiệm và định hướng chuẩn bị nhằm tiến tới các đấu trường sắp tới.
Đối với các môn như Taekwondo và Karatedo, chúng ta đang trải qua thời kì chuyển giao. Chúng tôi có sự thay đổi ban huấn luyện, thuê chuyên gia Iran và phải nói rằng các VĐV đều hết sức cố gắng. Hoặc như trường hợp của Hoàng Ngân được cử đi tập huấn ở Nhật Bản. Tuy nhiên, trọng tài ở những môn này có thể chấm điểm theo cảm tính nên chưa hoàn toàn chính xác.
PV: So sánh về số huy chương mà các đoàn thể thao trong khu vực Đông Nam Á giành được, có thể thấy đoàn TTVN thua kém nhiều quốc gia trong khu vực. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Trưởng đoàn Lâm Quang Thành: Việc nói HCV để đánh giá được sự phát triển của một nền thể thao là rất khó. Về mặt số lượng huy chương, chúng ta có để thấy được rằng làm cơ sở để biến HCĐ, HCB thành HCV. Đó là cơ sở để có những định hướng rõ ràng hơn.
Nếu so sánh về trình độ và đầu tư của các nước, các nước Đông Nam Á có thế mạnh ở những môn có truyền thống từ xưa. Đặc biệt kỳ này là Thái Lan, Malaysia và Singapore rất tập trung vào đua thuyền buồm và giành được nhiều HCV. Nhưng đây là môn đòi hỏi đầu tư rất lớn, từ việc mua thuyền, bãi đỗ thuyền, đào tạo VĐV… hay môn bowling, Thái Lan và Singapore đều có HCV. Còn các môn Olympic, thì các nước nếu xét về số lượng huy chương Olympic thực chất thì cũng không nhiều.
Ông Lâm Quang Thành: "Các môn cơ bản của Olympic đang có những bước tiến rõ rệt." (Ảnh: Trọng Phú)
Tóm lại, đối với chiến lược của mỗi nước có sự khác nhau, phụ thuộc vào nền kinh tế, tập trung xã hội hóa. Chúng tôi mong rằng, sau khi đại hội kết thúc, chúng tôi sẽ tổng kết và nêu rõ một trong những yếu tố quan trọng là tập trung đầu tư của các doanh nghiệp, xã hội hóa cùng với Nhà nước đầu tư cho VĐV có điều kiện tập luyện tốt hơn. Và đó sẽ là một trong những nguồn sẽ khắc phục những thiếu sót, yếu kém, chưa thành công của chúng ta.
- PV: Theo ông, thành tích thi đấu của đoàn TTVN lần này là kết quả của các chuyến tập huấn hay là do VĐV của chúng ta có những phút xuất thần, thăng hoa, vượt ngưỡng của chính bản thân. Điển hình như trường hợp của Thu Thảo ở môn nhảy xa?
Trưởng đoàn Lâm Quang Thành: Phải nói rõ ràng, sự đầu tư với chúng ta được Nhà nước, Chính phủ và lãnh đạo ngành hết sức quan tâm trong điều kiện kinh tế khó khăn. Việc đi tập huấn và thi đấu trong điều kiện kinh phí cho phép. Việc đầu tư là do điều kiện khách quan vì khó khăn của nền kinh tế. Trong thể thao có quy luật rất rõ ràng: Trình độ phát triển thể thao phụ thuộc vào quy mô phát triển kinh tế của đất nước.
Các nước có nền kinh tế mạnh có nền thể thao mạnh vì có nguồn đầu tư đúng mức, kinh phí dồi dào. Họ tập trung xã hội hóa rất mạnh ở những môn có thành tích ở châu Á. Chúng ta cũng đưa nhiều đội tuyển tập huấn ở các nước, có khả năng đột phá thành tích của VĐV, nhưng điều kiện thời gian còn eo hẹp. Việc chuyển hướng đòi hỏi cần có thời gian. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tính toán lại việc đầu tư trọng điểm hơn nữa, để VĐV có điều kiện tập luyện, đầu tư tốt nhất và sẽ nâng cao thành tích trong thời gian sắp tới.
PV: Xin cảm ơn ông.