Người xử tù oan 10 năm sẽ chịu 3 năm tù giam?
Như đã thông tin, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm (SN 1949), nguyên Thẩm phán TAND tối cao về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Như vậy, đến nay Cơ quan điều tra đã chính thức khởi tố 3 bị can gồm: Phạm Tuấn Chiêm, Đặng Thế Vinh - nguyên Trưởng phòng 10 VKSND tỉnh Bắc Giang, Trần Nhật Duật - nguyên Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang vì có liên quan đến hành vi làm sai lệch và gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhưng điều mà dư luận quan tâm nhất là việc những cá nhân, người tiến hành tố tụng đã thực hiện công vụ trái quy định của pháp luật dẫn đến oan sai trong vụ án sẽ bị xử lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào.
Trao đổi với PV, Luật sư Vi Văn Diện - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, ông Phạm Tuấn Chiêm đã thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, không tuân thủ quy định của pháp luật về nguyên tắc xác định sự thật của vụ án được quy định tại Điều 10, Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo quy định, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Lỗi ở đây có thể do hạn chế về trình độ chuyên môn, quan liêu, tắc trách, thiếu cẩn trọng, không phát hiện ra sai sót…, mà đưa ra quyết định trái luật dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Trường hợp ông Phạm Tuấn Chiêm, nếu giữ nguyên tội danh thì ông này sẽ phải đối mặt với mức án từ ba đến 12 năm tù theo quy định tại Khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, Luật sư Diện cũng yêu cầu cần mở rộng điều tra vì Hội đồng xét xử không chỉ có một mình ông Chiêm mà còn nhiều thành viên khác, do đó cũng cần xem xét trách nhiệm của những người liên quan mới bảo đảm khách quan, công bằng. Ngoài ra, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố với vai trò buộc tội cũng phải có trách nhiệm.
Ai, cơ quan nào phải bồi thường tổn thất cho ông Chấn?
Theo luật sư Diện, trong vụ oan sai này, Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Tuy nhiên cần xác định rõ, cơ quan nào phải thực hiện trách nhiệm này cũng như trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại.
“Theo tôi, Cơ quan Viện kiểm sát và Toà án cùng phải thực hiện trách nhiệm bồi thường. Căn cứ theo Điều 31. Trách nhiệm bồi thường của VKSND trong hoạt động tố tụng hình sự, VKS có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp phê chuẩn lệnh tạm giam của cơ quan điều tra có thẩm quyền hoặc ra lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam mà sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội.
Trách nhiệm bồi thường của Toà án được quy định tại Khoản 2, Điều 32. “Toà án cấp phúc thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội”.
Sau khi hoàn thành trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trên cơ sở xác định rõ người thi hành công vụ sai phạm sẽ phải có nghĩa vụ hoàn trả. Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường sẽ ra quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả theo quy định tại Điều 58 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà Nước; Điều 13, chương 3 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Chế định về bồi thường thiệt hại của Nhà nước đã rõ ràng, giờ chỉ còn chờ vào sự thoả thuận giữa ông Nguyễn Thanh Chấn với các cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Về việc hoàn lại của người thi hành công vụ, trách nhiệm này sẽ thuộc người thi hành công vụ từ giai đoạn khởi tố, truy tố và xét xử sơ thẩm cho đến giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án oan này, trách nhiệm hoàn lại sẽ được xem xét trên cơ sở yếu tố lỗi mà người thi hành công vụ gây ra, căn cứ theo tính chất, mức độ vi phạm cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định việc truy cứu trách nhiệm hình sự, dân sự, xử lý kỷ luật cũng như giá trị hoàn lại của từng cá nhân đã gây thiệt hại cho ông Nguyễn Thanh Chấn để thu hồi một phần hay toàn bộ khoản tiền về Ngân sách mà Nhà nước đã bồi thường cho ông này.
Về mức tiền, giá trị buộc các cá nhân những người thi hành công vụ có hành vi sai phạm phải hoàn trả Ngân sách Nhà nước được quy định tại Điều 16 Nghị định 16/2010/NĐ-CP.
Về trách nhiệm dân sự của ông Nguyễn Thanh Chấn đối với nghĩa vụ bồi thường tổn thất tinh thần và cấp dưỡng nuôi con của bị hại, Luật sư Diện cho rằng: “Trong quá trình giải quyết vụ án, ngoài việc phải chấp hành hình phạt tù chung thân, ông Chấn còn phải bồi thường tổng cộng 20 triệu đồng cho phía gia đình nạn nhân”.
Riêng phần nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con của nạn nhân, bản án phúc thẩm đã tách ra để điều tra, xét xử lại chưa có kết quả, hiệu lực thi hành cho đến thời điểm ông Chấn được minh oan. Do đó, Cơ quan Viện kiểm sát cần có văn bản cụ thể về hai nội dung này để khẳng định Ông Nguyễn Thanh Chấn không có nghĩa vụ phải thực hiện hoặc tại bản án xét xử Lý Nguyễn Chung phải nêu rõ việc bồi thường, đền bù. Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con của nạn nhân không thuộc trách nhiệm của ông Chấn vì ông này không phải đối tượng, là bị cáo trong vụ án và không thực hiện hành vi giết người nên phần quyết định trách nhiệm bồi thường của ông Nguyễn Thanh Chấn không có giá trị pháp lý.