Trao đổi với phóng viên Dân Việt, thạc sĩ Hà Hoàng Minh - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa nhớ lại: "Vào khoảng 8h30 sáng 27.4, cháu Vũ Quốc Linh được đưa vào viện trong tình trạng bỏng toàn thân, quần áo cháy xém hết. Chỉ duy nhất quần áo khu vực bụng là còn nguyên vẹn. Kiểm tra sơ bộ ban đầu, cháu Linh bị bỏng 30% da, trong đó có 20% ở phần đầu, mặt, cổ, hai bàn tay, một phần bụng và một bên mông bị bỏng mức sâu nhất.
Các bác sỹ thay băng cho bé Linh trong phòng điều trị đặc biệt |
May mắn là bộ phận sinh dục và hai mắt của bé không bị tổn thương. Lửa đã cháy mi mắt nhưng chưa vào giác mạc. Lúc đó cháu chỉ còn thở rên, chúng tôi đã phải tiêm thuốc giảm đau và hỗ trợ hô hấp cho cháu bằng máy thở. Đến buổi chiều, huyết áp của cháu đã tương đối ổn định.
Các bác sĩ phải rạch những chỗ thịt chín ra để mạch máu không bị bó, có thể thuận lợi đi nuôi cơ thể. Cháu đã rất may mắn khi được gia đình đưa đến cấp cứu kịp thời và được các chuyên gia bỏng và hồi sức của bệnh viện tích cực cứu chữa nên còn giữ được mạng sống đến bây giờ".
Đến thời điểm ngày 30.4, ông Minh cho biết đến 80% cháu Linh sẽ không bị tử vong về bỏng như đau, thoát dịch, sốc. Thế nhưng cháu vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ tử vong khác từ nhiễm khuẩn và cấy ghép.
Sau khi cháu Linh qua thời điểm nguy kịch, các bác sĩ sẽ tiến hành cắt lọc vết thương. Với công nghệ dùng trung bì da lợn đắp lên vết thương chống thoát dịch và nhiễm khuẩn thì bệnh nhân sẽ có nhiều cơ hội để bình phục hơn.
Về những di chứng mà cháu Linh sẽ phải gánh chịu nếu như thoát khỏi tử vong, bác sĩ Minh cho biết: "Bỏng để lại di chứng rất lớn. Ngoài việc phải cắt lọc các chỗ thịt bị chín, cháu Linh sẽ phải tháo bỏ các ngón tay bị cháy. Cơ mặt của cháu bị chín hết nên có thể về sau sẽ không há được miệng, mũi bị dính lỗ không thở được.
Tôi đã từng gặp trường hợp một bệnh nhân nữ bị tạt a xít tổn thương hết vùng mặt và cổ. Về sau cô gái này không thể há miệng để nhai và ăn được, lỗ mũi bị dính không thở được, phải thở bằng khe nhỏ còn hở giữa hai môi. Các bác sĩ của bệnh viện Nhi Thanh Hóa và kể cả các chuyên gia nước ngoài đến từ Pháp và Thụy Sĩ cũng không giúp bệnh nhân này hồi phục chức năng được.
Với trường hợp của cháu Linh, chúng tôi đang phải cố gắng hết sức để hạn chế hậu quả tương tự".
Thạc sĩ Hà Hoàng Minh - Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi Thanh Hóa |
Bác sĩ Minh cho biết thêm: "Cháu Linh còn phải đối mặt với nguy cơ tử vong vì bị ngạt đường thở. Bỏng lửa sẽ kèm theo bỏng hô hấp. Ngoài việc gây hẹp khí quản thì chỗ bỏng trong khí quản bệnh nhân có thể bị hoại tử bong ra dẫn đến việc bệnh nhân bị ngạt thở vì dị vật chặn khí quản. Thêm vào đó, hô hấp bị hạn chế còn làm tổn thương não vì thiếu ô xy".
Không chỉ bác sĩ Minh, rất nhiều các bác sĩ tại khoa Bỏng, bệnh viện Nhi Thanh Hóa đều khẳng định chưa bao giờ gặp bệnh nhân nhi nào bị bỏng sâu như thế mà hung thủ lại chính là bố đẻ của bé. Theo các bác sĩ thì phải ba ngày nữa mới có thể kết luận được về tình trạng của cháu Linh.
Nguyễn Thắng