Dân Việt

Cơn ác mộng rắn lục đuôi đỏ ở Đồng bằng sông Cửu Long

06/10/2014 19:05 GMT+7
Lũ về là lúc nhiều loài rắn có nọc độc tử thần xuất hiện, như rắn cạp nong, rắn hổ đất, rắn mái gầm…, nhưng nguy hiểm nhất là rắn lục đầu dồ đuôi đỏ. Không chỉ tác oai tác quái ở vùng lũ, ăn theo vụ con nước dâng cao, loài mãng xà thân xanh đuôi đỏ này còn tiến công lên chốn thị thành gây ra những cuộc náo loạn và cả những mối nguy mang bóng hình thần chết...
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào mùa lũ. Bên cạnh việc mang lại niềm hân hoan bội thu sản vật với tôm cá đuề huề, con nước dần lên cao phủ trắng một vùng rộng lớn đồng thời để lại nhiều mối lo cho cư dân vùng lũ. Trong rất nhiều mối lo đến hẹn lại tới vào mùa con nước dâng cao như vỡ đê bao, trẻ chết vì đuối nước…, khủng khiếp và để lại nhiều chuyện thương tâm là nạn rắn độc cắn người. Lũ về là lúc nhiều loài rắn có nọc độc tử thần xuất hiện, như rắn cạp nong, rắn hổ đất, rắn mái gầm… Nhưng nguy hiểm nhất là rắn lục đầu dồ đuôi đỏ.  Không chỉ tác oai tác quái ở vùng lũ, ăn theo vụ con nước dâng cao, loài mãng xà thân xanh đuôi đỏ này còn tiến công lên chốn thị thành gây ra những cuộc náo loạn và cả những mối nguy mang bóng hình thần chết! Đâu là căn nguyên của cơn ác mộng ấy?

Nỗi ám ảnh của người dân vùng lũ…     

Mùa lũ chỉ mới bắt đầu nhưng con số nạn nhân ở ĐBSCL bị rắn độc, mà đa phần bị rắn lục đầu dồ cắn xảy ra liên tục, gia tăng đến chóng mặt. Trên nhiều kênh thông tin đại chúng, thông tin lục đầu dồ cắn khiến dư luận, đặc biệt là người dân vùng lũ không thể không âu lo.

Xin được điểm qua một số thông tin quanh việc rắn đuôi đỏ gây án vốn nhan nhản thời gian qua như: Rắn lục nằm trên gối cắn vào tay bé trai đang ngủ; Rắn độc liên tiếp cắn người ở các tỉnh miền Tây; Rắn cắn gây hoại tử cắt bỏ ngón tay; Rắn đuôi đỏ bò vào nhà cắn bé gái trọng thương; Kỷ lục truyền 46 lít máu cứu người bị rắn lục cắn; Bé gái 27 tháng tuổi bị rắn độc cắn thoát chết ở Cần Thơ; Bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi đang ngủ trong nhà; Nhiều bệnh nhân nguy kịch vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn… Cứ như thế, thông tin nạn nhân ở các tỉnh ĐBSCL bị rắn lục đuôi đỏ cắn được các báo đài cập nhật trở thành nỗi ám ảnh thật sự cho người dân miệt sông nước. Họ sống phấp phỏng, âu lo...

 
img

Rắn lục đuôi đỏ được bán tại chợ chó mèo Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM.

Với chiều dài tối đa 1,3m, trọng lượng khoảng 300 gram, theo Sách đỏ Việt Nam, lục đầu dồ đuôi đỏ là một trong các loài rắn có nọc độc mà độ độc của nó chỉ xếp sau loài rắn hổ mang chúa, và là loài độc nhất trong số các loài rắn lục có mặt trên lãnh thổ Việt Nam. Từ mô tả trên cho thấy lục đầu dồ đuôi đỏ là loài rắn nguy hiểm không thua kém gì các loài rắn độc khác như hổ đất, hổ chúa.

Theo các chuyên gia, người bị rắn hổ đất, hổ chúa cắn sẽ bị rối loạn hô hấp. Riêng nọc độc của loài rắn lục đuôi đỏ khiến nạn nhân bị rối loạn máu đông, bệnh nhân bị giảm tiểu cầu, khó thở, tim đập nhanh, xuất hiện máu ở mũi, miệng, lỗ chân lông, nhiều trường hợp bị nôn ói, đau nhức, phù nề, hoại tử... Tuy khác nhau về triệu chứng nhưng như rắn hổ đất, người bị lục đầu dồ đuôi đỏ cắn nếu không cấp cứu kịp thời dẫn đến tử vong nhanh.

Theo ghi nhận của chúng tôi, những trường hợp nạn nhân bị lục đầu dồ đuôi đỏ cắn ở các tỉnh miền Tây là do vô tình nằm hoặc giẫm đạp lên nó trong quá trình sinh hoạt, đi lại, lao động. Và hiện tượng nhiều dân vùng lũ liên tiếp bị rắn lục đuôi đỏ cắn được lãnh đạo các địa phương ở miền Tây giải thích khá dễ hiểu rằng khi con nước lên cao, không chỉ loài rắn mà các loài chuột, rết, bọ cạp cùng nhiều loài côn trùng khác... đều bò lên những mô đất cao, vườn nhà dân lánh nạn... Nên người dân vùng lũ vì hoàn cảnh phải "sống chung" với chúng nên dễ bị rắn cắn là điều hiển nhiên. Vấn đề ở chỗ không chỉ đại náo miệt sông nước mà loài rắn lục này còn “mở rộng địa bàn” nơi phố thị...

img

Người đàn ông này với con lục xà vương để ngâm rượu vừa mua từ con buôn di động.

Dựa vào "năng lực", "sở trường" gì mà loài đầu dồ đuôi đỏ lại có thể “gây án” đến "phi phàm" như thế?

“Gây án” từ quê lên phố...

Chuyện rắn lục đầu dồ đuôi đỏ “gây án” chốn thị thành được chị Xuân Trang, 32 tuổi, ngụ địa chỉ 793/28/42B Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM kể khá chi tiết với một số hình ảnh gửi cho chúng tôi về những chiếc cũi lưới mắt cáo bên trong là cả nùi rắn lục đuôi đỏ quấn lấy nhau: "Tôi chụp những tấm hình này vào sáng chủ nhật tuần rồi. Trước đó vài ngày, con chó Milu đi lạc, nhiều người khuyên nên ra khu chợ chó mèo trên đường Lê Hồng Phong (quận 10) tìm, biết đâu sẽ thấy. Ra đến nơi, tôi mớt biết bên cạnh cái biệt danh chợ chó mèo, nơi này còn được gọi là chợ mãng xà vì tập trung nhiều người bán rắn lục cho ai đó có nhu cầu ngâm rượu tăng lực này nọ. Khi đó có một người đàn ông hỏi mua rắn, bà chủ dùng cái kẹp sắt chụp cổ con rắn bự nhất dài hơn nửa mét ra khỏi lồng. Nhưng do sẩy tay nên con rắn rơi ra đường khiến nhiều người hoảng loạn...".

Theo lời kể của chị Xuân Trang, tại chợ chó mèo sầm uất nhất Sài thành, không chỉ chụp được cảnh người ta bày bán rắn độc giữa phố mà người còn tiếp cận nhiều chuyện oái ăm về những lần rắn độc xổng chuồng khiến khu phố này náo loạn.

Kể cả chuyện có ông bà chủ chuyên kinh doanh rắn độc do sinh nghề tử nghiệp bị hung thần "hôn" vào tay, để cứu nguy sinh mạng phải dùng dao cắt bay 1-2 ngón tay: "Tôi hỏi người ta mua rắn đuôi đỏ làm gì, người bán nói rằng có người mua ngâm rượu dùng tăng lực, người mua đốt lấy tro làm thuốc chữa viêm xoang. Có người mua để lấy bào thai làm thuốc chữa bệnh vô sinh, bệnh ung thư này nọ" - chị Xuân Trang kể.

Anh Đinh Trung Dũng, 34 tuổi, làm trong lĩnh vực cho vay tài chính, ngụ quận Gò Vấp thì có chia sẻ khác về câu chuyện rắn lục đuôi đỏ chực chờ “gây án” chốn thị thành: "Nhiều người cứ nghĩ rắn lục là loài không có độc và họ đã phải trả giá đắt cho sự thiếu hiểu biết này. Gần nhà tôi có anh nọ ngoài 30 tuổi, là chuyên viên tư vấn du học Mỹ, có thú vui nuôi thú lạ. Trước đây anh nuôi rồng đất (còn gọi con kỳ tôm), sau nuôi nhện và gần đây thì nuôi rắn kiểng. Tháng trước anh đem về nhà một cặp rắn lục tre nhỏ xíu như chiếc đũa thường thấy những nghệ sĩ diễn xiếc biểu diễn tiết mục nuốt rắn vào miệng cho chui ra lỗ mũi. Nuôi được một tuần thì anh rinh về tiếp một cặp rắn lục đuôi đỏ với suy nghĩ loài này cũng lành tính. Khi tôi sang chơi, thấy anh mang cặp rắn đuôi đỏ ra khoe, tôi nói rằng là trên mạng thấy ngồn ngộn thông tin nhiều người do bị rắn lục đuôi đỏ cắn mà tháo ngón tay ngón chân, có người phải bỏ mạng, anh chàng mê quái thú xám hồn đập chết cặp rắn độc ngay lập tức".

img
Nhiều người đã phải trả giá đắt vì nhầm lẫn rắn lục đuôi đỏ với rắn lục kim.

Theo anh Đinh Trung Dũng, vấn đề ở chỗ không phải tay chơi rắn kiểng nào cũng  may mắn như anh chàng hàng xóm của anh, được cảnh báo kịp thời: "Chắc rằng có không ít tay chơi vì thiếu hiểu biết mà rước họa vào thân. Sau này qua hỏi chuyện từ dân chơi trên diễn đàn Hội những người mê rắn kiểng, tôi biết có tay phải chịu cảnh hoại tử nơi vết cắn, thịt lở lói đến tận xương do bị con rắn cưng “hun”, khiếp lắm!".

Hung thần vẫn ngày đêm chực chờ...

Về chuyện dân thành thị đùa với rắn lục đuôi đỏ qua các hình thức chữa bệnh viêm xoang, làm thần dược tăng lực, nuôi làm kiểng..., chuyện ấy không có gì là lạ. Cách đây không lâu, người viết từng đề cập đến việc một số người vì tin những lời đồn thổi đã tự ý mua rắn lục đuôi đỏ về đốt cháy thành bột để chữa viêm xoang. Có người thì lấy máu, mật loài này hòa với nước dừa chữa ung thư.

Ghê gớm hơn, không ít quý ông vốn là nô lệ của trào lưu hám mạnh, hám sung đã nhờ người mua rắn lục đầu dồ có chửa để lấy bào thai là những con rắn sơ sinh nhúng lẩu đặng được trường lực. Những cách ăn uống chữa trị này theo lương y Đinh Công Bảy - Tổng thư ký Hội Dược liệu không được ghi chép  trong y văn và để lại nhiều tác hại khôn lường. Bởi niêm mạc của người bị viêm xoang yếu, việc hít bột rắn cháy đen như thế không những không giúp khỏi bệnh mà càng khiến bệnh nghiêm trọng hơn. Mặt khác trong máu mật rắn lục đuôi đỏ cũng như nhiều loài bò sát có nhiều loài ký sinh trùng sống ký sinh, uống vào chỉ càng thêm rước bệnh...

Từ những ghi nhận, phân tích trên mới thấy nạn hung thần đuôi đỏ có mặt từ nông thôn đến thành thị với ngày càng nhiều trường hợp bị rắn cắn trực tiếp bị ngộ độc, suy thận, mắc bệnh truyền nhiễm do dùng các cơ phận tươi sống của loài rắn này. Nguy hiểm hơn, theo các chuyên gia về sinh vật học, vì là loài mang thai đẻ con như loài thú (rắn lục đuôi đỏ là loài duy nhất trong các loài rắn đẻ con-PV) nên cấp độ nguy hiểm của loài này rất cao. Bởi lúc mang thai là lúc rắn lục đuôi đỏ hung dữ và chất độc của nọc cao hơn mức bình thường rất nhiều...

Cần nói rõ rằng khi đi sâu tìm hiểu về nạn rắn lục đuôi đỏ xuất hiện của loài này ở nơi thành thị, chúng tôi được biết cũng như nhiều loài rắn khác, sau khi được dân săn rắn ruồng bỏ, loài đuôi đỏ được tập kết về chợ rắn Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) và từ đây, loài này được các đầu nậu chẻ lẻ phân phối về khắp các tỉnh thành. Cũng từ đây loài rắn độc trên được dịp gieo rắc những thảm họa khôn lường!

Nguy hiểm hơn, không chỉ được bày bán công khai tại chợ chó mèo Lê Hồng Phong, loài rắn xanh có nọc độc chết người này còn theo hàng trăm chuyến xe của dân buôn rắn di động (sau xe máy chở cũi rắn bọc lưới mắt cáo) len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm. Ai dám chắc rằng trong quá trình dịch chuyển bán buôn ấy không xảy ra chuyện rắn đuôi đỏ xổng cũi hay những ký sinh trùng trong máu, mật của nó gây án cho những kẻ hám sung, hám mạnh...

Theo Sách đỏ Việt Nam, không chỉ sống chủ yếu nơi núi cao rừng thẳm ở dãy Trường Sơn và Tây Bắc Việt Nam, loài rắn lục đuôi đỏ còn xuất hiện ở đồng bằng. Với màu da xanh, chúng dễ dàng ngụy trang ẩn trong cây cỏ nên rất khó phát hiện. Nhờ vậy chúng dễ tấn công người dân vùng lũ hơn các loài rắn khác.

Ngay tại thời điểm này, để ngăn chặn, hạn chế nạn rắn lục đuôi đỏ cắn người, giữa lúc tại vùng lũ các địa phương khuyến cáo người dân cẩn trọng trong việc đi lại, sinh hoạt, lao động, chú trọng phát hoang bụi rậm...., thì tại chốn thị thành, việc phòng trừ loài rắn độc này vẫn còn bỏ ngỏ. Dân buôn vẫn thản nhiên bán hung thần công khai dù rằng loài này sở hữu nọc độc chết người và rằng chúng có tên trong sách đỏ Việt Nam, mọi hành vi săn bắt, mua bán, giết hại là vi phạm pháp luật!