Chính xác thì bảng so sánh của Billboard chỉ so top đĩa bán chạy tính trong 8 tháng đầu năm 1994 và 2014 (do năm 2014 vẫn chưa kết thúc). Thế nên đĩa nhạc bán chạy nhất 1994 là album nhạc phim Lion King, mới đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách. Bảng so sánh lấy số liệu từ Nielsen SoundScan.
Từ ăn dày chuyển sang “ăn xổi”
Sự chênh lệch về mức độ tiêu thụ đĩa CD giữa 2 thời điểm rất đáng để suy ngẫm. Dù cả thập kỷ nay, người ta đã nói quá nhiều về việc đĩa CD hết thời, nhưng mức độ hết thời như bảng so sánh này thể hiện vẫn là một bất ngờ.
Theo đó, đứng đầu danh sách của 1994 là album The Sign của ban nhạc Ace of Base, bán được 8,3 triệu đĩa. Đứng đầu 2014 là album nhạc phim Frozen, bán được 3 triệu đĩa.
Bảng so sánh nói lên một điều rõ ràng: bán được 1 triệu đĩa ngày nay là điều vô cùng khó khăn, nhưng lại khá dễ ở thời 1994. Năm 1994, có đến 38 đĩa nhạc bán được 1 triệu bản, tính đến hết tháng 8.
Chênh lệch như ở 2 vị trí dẫn đầu tiếp tục được thể hiện ở những vị trí sau: á quân 1994, album August & Everything After của ban nhạc Counting Crows bán được 2,9 triệu bản. Trong khi đó, á quân 2014 là album Beyonce của nữ ca sĩ Beyonce bán được 761.000 bản.
Vị trí thứ ba của 2 bên lần lượt là album nhạc phim Lion King với 2,8 triệu bản và album Pure Heroine của nữ ca sĩ Lorde với 741.000 bản. Một sự tương phản rõ rệt!
Ngày nay, lượng album như Lorde và Beyonce ở trên đã được coi là thành công và chỉ là một trong những yếu tố phản ánh độ ăn khách của album nhạc, bên cạnh doanh số nhạc số và streaming (nhạc nghe trực tiếp qua Internet), lượt phát trên truyền thanh và truyền hình...
Nhưng có một thực tế không đáng mừng mà độc giả Billboard đã chỉ ra. Đó là ngày nay, rất ít nghệ sĩ đầu tư cho một album thực sự chất lượng, đáng nghe từ đầu đến cuối. Adele, Ed Sheeran, Bruno Mars... nằm trong nhóm nay. Trước đây, một album của ban nhạc The Beatles có thể không cần ra một đĩa đơn nào mà vẫn được tính là thành công. Ngày nay không thể có chuyện đó.
Nền công nghiệp âm nhạc vận hành theo một nguyên tắc mới, trong đó đĩa đơn trở thành quân bài chủ đạo. Nghệ sĩ và nhà sản xuất đầu tư để sinh lợi từ một bài hát có khả năng thành công, hơn là cả album nhạc. Một bài hát đơn lẻ khi gây sốt có thể mang về hàng đống tiền và công chúng hâm mộ. Những ca khúc hit sẽ là những cái đỉnh cao chót vót, trong khi các bài hát khác của cùng một nghệ sĩ trong cùng album sẽ chìm nghỉm.
Ngày nay, số đông công chúng nghe nhạc theo từng bài hát chứ không nghe album. Thậm chí, nhiều người còn không có nghệ sĩ yêu thích mà chỉ nghe những bài hát và nghệ sĩ đang nổi.
Kiếm tiền từ biểu diễn
Trong 10 năm qua, công chúng nghe nhạc từ việc sưu tập những chồng CD cao ngất, đã chuyển sang nghe nhạc bằng các thiết bị điện tử di động hoặc cố định. Giờ đây, hình ảnh của những chồng CD đã lùi xa, nhường chỗ cho hàng nghìn bài hát, thậm chí nhiều hơn, chen chúc trong ổ lưu trữ của các thiết bị điện tử, điều mà thiên tài công nghệ Steve Jobs đã vẽ ra khi lên ý tưởng cho chiếc iPod.
Những thay đổi đó không còn mới mẻ gì với tất cả chúng ta. Nhưng bảng so sánh này vẫn cho thấy sự “thay da đổi thịt” của ngành công nghiệp âm nhạc qua một thập kỷ biến động.
Thói quen nghe nhạc số đến cùng vấn nạn vi phạm bản quyền. Các nghệ sĩ than phiền họ bị ăn cắp thành quả lao động qua nạn tải nhạc lậu. Đĩa nhạc bán ế khiến ngành kinh doanh đĩa nhạc không mang về lợi nhuận.
Nhưng có một thực tế phải nhìn nhận: ngày nay, giá vé xem các buổi biểu diễn âm nhạc trực tiếp cũng tăng cao chưa từng thấy. Vì thế, có thể công chúng không phải bỏ tiền ra để nghe nhạc, nhưng họ lại dồn tiền vào một việc khác là đi xem ca nhạc. Nghệ sĩ không thu tiền từ bán nhạc, nhưng lại thu nhập khá từ bán vé xem ca nhạc và cát sê biểu diễn.
Top 10 BXH Billboard Hot 100 tuần 11/10: