Đồng chí có cảm tưởng như thế nào nhân dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô (10.10.1954-10.10.2014)?
- Những ngày này, hòa cùng không khí vui tươi của người dân Thủ đô và cả nước, tôi cũng có cảm giác như được sống lại không khí hào hùng của ngày giải phóng năm xưa.
Là trái tim cả nước, Hà Nội luôn hòa chung nhịp đập, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ một thành phố có quy mô dân số, kinh tế nhỏ bé, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Hà Nội đã vươn lên mạnh mẽ, vị thế ngày càng được nâng cao, khẳng định vai trò trung tâm lớn của đất nước về mọi mặt.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị
Khi nói về Hà Nội ai cũng nói đây là nơi hội tụ tinh hoa, vậy theo đồng chí nét đặc trưng nhất của Thủ đô Hà Nội là gì?
- Tôi nghĩ đó là những lời đánh giá vừa mang tính nhân văn, rất khách quan; đúng với truyền thống và bề dày lịch sử, văn hóa của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.
Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, có "thế rồng cuộn hổ ngồi", "tiện hướng nhìn sông dựa núi", hàng ngàn năm trước đã được ông cha ta chọn là nơi định đô để tính kế lâu dài, mưu toan nghiệp lớn, từ kinh đô Cổ Loa của nhà nước Âu Lạc cách đây hơn 2000 năm, đến kinh đô Thăng Long của nhà nước Đại Việt 1000 năm trước, và ngày nay là Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chứng kiến bao đoàn quân chiến thắng trở về, anh dũng vươn lên sau mỗi lần bị tàn phá… Hà Nội đã thành “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc, nơi hội tụ và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên.
Ai cũng có thể cảm nhận được Hà Nội đổi thay từng ngày, nhất là những năm gần đây. Vậy đồng chí có thể cho biết từ ngày Hà Nội điều chỉnh mở rộng địa giới thì đã đạt thành tựu nổi bật như thế nào?
- Từ ngày 1.8.2008, Hà Nội được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính. Đây là quyết định có ý nghĩa lịch sử của Đảng và Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới; tạo điều kiện để Hà Nội phát triển bền vững, lâu dài.
Sáu năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm lớn về kinh tế của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chiếm 10% cả nước; tốc độ phát triển bình quân đạt hơn 9,5%, cao hơn 1,5 lần mức bình quân chung cả nước. Thu ngân sách năm 2013 đạt 163 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 2,8 lần trước khi hợp nhất, chiếm trên 20% tổng thu ngân sách cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 52,3 triệu đồng.
Hà Nội đã tăng cường các hoạt động đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển với các địa phương trong nước và bạn bè quốc tế và đã có quan hệ hợp tác với trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo đồng chí, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đóng vai trò thế nào của Thủ đô?
- Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự là khâu then chốt, là nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh để Thành phố vượt qua khó khăn, thử thách.
Đảng bộ thành phố Hà Nội là một trong địa phương đi đầu thực hiện các chủ trương, biện pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Thành phố còn là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo chủ chốt. Hà Nội là trung tâm của cả nước, vậy thành phố có tầm ảnh hưởng như thế nào đối với các địa phương khác, thưa đồng chí?
- Với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội luôn xác định trách nhiệm hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm và các địa phương trong cả nước, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, tạo ra sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và của cả nước. Nhiều biên bản hợp tác được ký kết, nhiều hoạt động hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố được triển khai, đạt kết quả đáng khích lệ.
Để Thủ đô tiếp tục phát triển ngang tầm với những đòi hỏi của thời đại, theo đồng chí cần phải lưu tâm những vấn đề nào?
- Nhìn lại chặng đường đã qua, vui mừng trước những thành tựu và tiến bộ đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn băn khoăn, trăn trở về những việc chưa làm được như ý muốn, cùng những tồn tại, yếu kém.
Mặc dù kinh tế tăng trưởng khá về qui mô và tốc độ nhưng cần phải cố gắng nhiều hơn đến yêu cầu chất lượng và tính bền vững. Hà Nội cũng chưa khai thác và phát huy tốt các nguồn lực và tiềm năng, lợi thế; việc quản lý qui hoạch, trật tự đô thị vẫn còn nhiều yếu kém.
Cải cách hành chính có những tiến bộ vượt bậc, song tính chủ động, năng động của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; đây đó vẫn còn để xảy ra những vấn đề bức xúc của dân. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) còn thấp; văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ phát triển chưa tương xứng với yêu cầu. Vẫn còn một số tệ nạn, những hành vi tiêu cực, ứng xử thiếu văn hóa, thiếu ý thức pháp luật…
Ngày nay Hà Nội được “định vị” trong lòng dân tộc và trên thế giới như thế nào, thưa đồng chí?
- Với những tiềm năng, sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn, truyền thống hào hùng và phẩm chất cao đẹp, Hà Nội đã làm nên những chiến công hiển hách và thành tựu vang dội, được bạn bè thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”.
Hà Nội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh 4 lần gửi thư khen, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuyên dương “Hà Nội lập công to xứng đáng là Thủ đô anh hùng của cả nước”; được Nhà nước ba lần tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”; lực lượng vũ trang Hà Nội hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Thủ đô Hà Nội được nhân dân cả nước tin yêu, được bạn bè quốc tế ca ngợi. Hà Nội là nguồn cảm hứng bất tận cho văn chương, nghệ thuật, là “niềm tin yêu hy vọng”, “ngôi sao mai rạng rỡ”, là “trái tim kiêu hãnh”, là “bài ca vinh quang”...
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.