Dân Việt

Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công: Đề xuất bố trí đủ vốn hỗ trợ 80.000 hộ

Thanh Xuân (Thực hiện) 07/10/2014 07:26 GMT+7
Báo NTNN số 207/2014 có bài phản ánh việc nhiều gia đình người có công ở Bắc Giang đã vay tiền sửa chữa, xây mới nhà theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ xây nhà cho gia đình người có công, nhưng hơn 1 năm nay vẫn mòn mỏi ngóng chờ tiền hỗ trợ. Phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề này.

Ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết, trong năm 2012 có 10 địa phương không có báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số liệu người có công cần hỗ trợ nhà ở, trong đó có tỉnh Bắc Giang, dẫn tới số hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở đã tăng từ 72.153 hộ (theo số liệu báo cáo của 53/63 tỉnh, thành phố gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012) lên 335.253 hộ (theo báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố gửi Bộ Xây dựng), tăng khoảng 4,6 lần.

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới số lượng hộ gia đình chính sách cần hỗ trợ tăng lên tới 4,6 lần?

- Cuối năm 2011, khi các địa phương báo cáo số liệu cho Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chưa có tiêu chí cụ thể về đối tượng được rà soát và hiện trạng về nhà ở cần phải xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo. Có địa phương chỉ rà soát 7 nhóm đối tượng đầu quy định tại Điều 1 Pháp lệnh số 4/2012/UBTVQH13, gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh... Có địa phương lại chỉ rà soát 3 nhóm đối tượng cuối, gồm: Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng mà được Nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương… Sau khi có Quyết định 22/2013/QĐ-TTg quy định 12 đối tượng được hỗ trợ và có tiêu chí cụ thể để xác định hiện trạng nhà ở cần xây mới, sửa chữa cải tạo nên số lượng được rà soát, báo cáo đã tăng thêm nhiều.

Mặt khác, thời điểm rà soát nhà ở để các địa phương báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được làm trước năm 2012, nhiều trường hợp hiện trạng về nhà ở tại thời điểm này vẫn còn tốt, nhưng đến nay thì nhiều nhà ở đã bị xuống cấp, hư hỏng do thiên tai như bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất... nên số lượng nhà ở của người có công cần xây mới hoặc phải sửa chữa, cải tạo cũng tăng lên.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, tại một số địa phương việc thực hiện rà soát, thống kê đối tượng và điều kiện được hỗ trợ về nhà ở của cấp xã vẫn chưa theo đúng quy định, có trường hợp nhà ở không đủ điều kiện được hỗ trợ nhưng do cán bộ xã còn nể nang, có quan hệ họ hàng, làng xóm... nên vẫn đưa vào danh sách đề nghị được hỗ trợ để báo cáo cấp huyện, trong khi một số cấp huyện cũng chưa kịp thời tổ chức kiểm tra, rà soát lại đầy đủ hoặc chưa có sự phối hợp tốt giữa các ngành xây dựng, LĐTBXH, tài chính để rà soát, kiểm tra nên số lượng người có công đề nghị Nhà nước hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg cũng tăng lên.

Hiện có bao nhiêu hộ gia đình chính sách đã được hỗ trợ theo quyết định này, thưa ông?

- Theo Báo cáo của Chính phủ, đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành phố lập, phê duyệt và rà soát, điều chỉnh số liệu trong đề án (riêng TP. Hồ Chí Minh đang rà soát, lập, phê duyệt đề án). Tổng số hộ cần hỗ trợ là 335.253 hộ, dự kiến tổng số tiền cần thực hiện hỗ trợ là hơn 10.537 tỷ đồng. Kết quả sơ bộ tính đến hết tháng 7.2014, có 60 tỉnh, thành đã có báo cáo về kết quả thực hiện bước đầu (3 tỉnh chưa có báo cáo là Hà Giang, Quảng Bình, Bình Thuận): 29.557 hộ đã hoàn thành việc hỗ trợ; 5.728 hộ đang triển khai thực hiện.

Quyết định 22 là đúng đắn và cần thiết, nhưng theo ông, các gia đình chính sách đã xây nhà nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ như ở Bắc Giang cần giải quyết như thế nào và để triển khai Quyết định 22 hiệu quả cần có giải pháp gì?


img
Ông Đỗ Mạnh Hùng 
   
Về phân bổ kinh phí thực hiện, có 51/53 địa phương (có số liệu báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012) đã được Bộ Tài chính tạm ứng 50% phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương, với số tiền 956,7 tỷ đồng. Hai địa phương chưa được ứng kinh phí hỗ trợ là Lào Cai và TP. Hồ Chí Minh”. 
 
- Trên cơ sở xem xét Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 494/NQUBTV- QH13, báo cáo của các Đoàn đại biểu Quốc hội và giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội dự kiến kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ như sau:

 

Đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho phép Chính phủ xây dựng đề án để bố trí đủ vốn từ ngân sách trung ương nhằm hỗ trợ 80.000 hộ người có công với cách mạng đang ở nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng theo số liệu báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012 và một số hộ người có công với cách mạng của 10 tỉnh chưa báo cáo tại thời điểm giám sát. Chỉ đạo các cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở theo hướng: Nhà nước hỗ trợ, gia đình người có công tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở, quy định hình thức vay vốn ưu đãi để hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng.

Đối với Chính phủ: Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện dứt điểm việc bố trí vốn hỗ trợ nhà ở đối với 80.000 hộ người có công với cách mạng đang ở nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng cuối năm 2014, đầu năm 2015.

Xin cảm ơn ông!