Chỉ có cây, không có quả
Đến cánh đồng của phường Ái Quốc, TP.Hải Dương vào những ngày này, nhìn đâu chúng tôi cũng thấy cây cà chua bị nhổ bỏ, chất ngổn ngang kín khắp các bờ ruộng. Vừa gặp chúng tôi, anh Võ Văn Thành - nông dân ở khu Đồng Tháp, phường Ái Quốc đã nói ngay: “Chết dở anh ạ, cà chua gì mà trồng mãi chỉ thấy cây, không có quả, đành phải nhổ bỏ để trồng vụ mới”.
Vụ này, gia đình anh Thành có trồng 4 sào cà chua, cũng mua giống ở đại lý như mọi năm về để trồng. Song trồng mãi được hơn 1 tháng, anh phát hiện cây cà chua phát triển khác lạ và nhanh hơn bình thường so với các năm trước. Ban đầu những tưởng cà chua lớn nhanh cho đến khi cây cà chua cao được hơn 1m, bói được 2, 3 quả, anh mới biết mình trồng phải giống cà chua “ngố” (giống cà chua dại to thân, không cho quả).
Cũng như hộ anh Thành, thời điểm chúng tôi gặp, vợ chồng anh Nguyễn Văn Mạnh ở khu dân cư Ninh Quan, phường Ái Quốc đang khổ sở làm nốt việc nhổ bỏ 9 sào cà chua chỉ có cây không có quả. “Xót quá anh ạ, đổ bao nhiêu tiền mua giống, rồi phân bón, công sức bỏ ra mà giờ cà chua thì không có quả, chỉ phát triển phần thân cây. Càng để, càng hại đất, đành phải nhổ đi để làm vụ mới”- anh Mạnh than.
Anh Mạnh cũng cho biết, với 2 lần đầu tư trồng liên tiếp cà chua, riêng tiền mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu, cây làm giàn… cùng với tiền thuê đất đã lên đến gần 50 triệu đồng, trong đó phần lớn là vốn đi vay, giờ không biết lấy gì trả nợ. Theo anh Mạnh, từ những vụ trước cho đến vụ này anh đều mua giống cà chua F1 Mongal T11 của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xanh, có địa chỉ D25-26, khu dân cư Đông Thủ Thiêm, Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP. Hồ Chí Minh, và đều thu hoạch bình thường, nhưng không hiểu sao đến vụ này lại xuất hiện giống “rởm”.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Đức Thiết – Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Ái Quốc cho biết: “Ngay sau khi nhận được phản ánh của bà con nông dân trong phường về thiệt hại do cà chua “rởm” gây ra, phường đã nhanh chóng vào cuộc thống kê diện tích thiệt hại và làm văn bản gửi lên huyện, tỉnh”. Theo đó, toàn phường có 22ha cà chua với 270 hộ ở cả 9 khu dân cư trồng, và đều bị thiệt hại. Ước tính, tổng số tiền thiệt hại lên đến gần chục tỷ đồng, trong đó có 2 khu dân cư gồm Ninh Quan, Ngọc Trì có diện tích cà chua nhiều nên bị thiệt hại nặng nhất.
Chưa có biện pháp giải quyết
Theo ông Thiết cho biết, từ khi có thông tin về thiệt hại, phía Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xanh có cử đại diện về xác minh thiệt hại và có khuyên bà con nên nhổ bỏ, đồng thời hứa sẽ hỗ trợ tiền giống 1 triệu đồng/sào. Song do mức hỗ trợ quá thấp, không hợp lý nên không hộ nào chịu nhận và bên công ty cũng… bỏ đi, từ đó không thấy quay lại.
Không chỉ riêng nông dân phường Ái Quốc bị thiệt hại, theo tìm hiểu của NTNN, còn nhiều nông dân ở các huyện trong tỉnh Hải Dương như: Nam Sách, Kinh Môn… cũng chịu cảnh trắng tay vì cà chua “rởm”. Ông Trần Văn Giới – chủ đại lý Giới Toàn (đại lý phân phối chính giống cà chua F1 Mongal T11 tại thị trấn Nam Sách) cho biết: “Riêng tại địa phương nơi tôi cung cấp giống cũng đã có đến hàng chục hộ dân bị thiệt hại nặng. Ngay sau khi bán giống cho nông dân ở địa phương trồng được khoảng trên 20 ngày, tôi phát hiện ra mình đã bán phải giống cà chua “rởm” cho nông dân nên đã chủ động gọi điện thông báo đến các hộ kịp thời phá bỏ ngay, đồng thời tôi cũng gọi lên công ty để thông báo sự việc”.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc và trao đổi với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xanh, nhưng chỉ gặp được một nhân viên thị trường là Nguyễn Quang Hòa - đại diện chi nhánh tại Hà Nội. Anh Hòa cho biết, sau khi về địa phương xác minh thông tin về giống cà chua F1 Mongal T11 không cho quả, công ty đã liên hệ với đối tác cung cấp hạt giống ở Ấn Độ và hiện đang chờ họ sang để kiểm tra chất lượng hạt giống, cũng như họp bàn về hướng giải quyết cũng như chính sách hỗ trợ hợp lý cho nông dân. Tuy nhiên, khi được hỏi về thời gian giải quyết cụ thể, anh Hòa cho biết chưa nắm rõ được thời gian.