Tại ASIAD 2014, cánh phóng viên Việt Nam thực sự ấn tượng khi chứng kiến sự xuất hiện của rất đông trẻ em mầm non, tiểu học xứ kim chi được các thầy cô giáo, đưa tới các địa điểm thi đấu theo dõi các VĐV đỉnh cao so tài. Người Hàn Quốc coi đây là cơ hội để giáo dục đạo đức, tinh thần thể thao trung thực, cao thượng, ý nghĩa màu cờ sắc áo thiêng liêng cho thế hệ tương lai. Qua việc được xem các “thần tượng” thi đấu, các em sẽ có thêm sự hứng thú với thể thao, qua đó tự giác tập thể thao mỗi ngày.
Rõ ràng, thể thao ở Hàn Quốc và nhiều nước khác trong châu lục và thế giới đã thực sự hòa quyện, gắn bó mật thiết không thể tách rời với hệ thống giáo dục, văn hóa. Theo từng cấp học, từ chỗ mới làm quen, qua từng cấp học, các em có khả năng, có nguyện vọng sẽ dần được chơi thể thao một cách chuyên nghiệp thực sự. Mọi so sánh luôn khập khiễng nhưng chuyện đội tuyển Sinh viên Hàn Quốc luôn là khách mời chất lượng tại các giải bóng đá giao hữu quốc tế do VFF tổ chức nhiều năm qua cũng là một minh chứng cho sức mạnh, cái nền thể thao học đường xứ kim chi.
Từ chính cái nền ấy, những tên tuổi lớn đã xuất hiện mà gần nhất là VĐV bắn súng 17 tuổi Kim Cheongyong. Tại ASIAD 2014, xạ thủ “thần đồng” đã vượt qua chính thầy mình là Jin Jongoh (đang giữ kỷ lục thế giới và châu Á) để đoạt HCV 10m súng ngắn hơi. Kim hiện là học sinh Trường Heung-Deok. Một ví dụ khác, người đánh bại “Nữ hoàng kata” Nguyễn Hoàng Ngân để mang về HCV ASIAD 2014 cho Nhật Bản, võ sĩ 19 tuổi Shimizu Kiyou cũng đang là sinh viên Đại học Kansai. Còn nhiều, rất nhiều nhà vô địch ASIAD của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đang là những cô, cậu sinh viên.
Chỉ từng đó thôi đủ để nói lên giá trị đặc biệt của mối quan hệ không thể tách rời giữa thể thao đỉnh cao và hệ thống văn hóa-giáo dục. Biết thế rồi, và cũng nói mãi rồi, nhưng những nhà quản lý TTVN vẫn vô tình (hoặc hữu ý) mặc kệ thể thao trường học!