Trong đó, đặc biệt là việc thực hiện chính sách cho nhóm đối tượng nhiễm chất độc da cam/dioxin vẫn còn nhiều bất cập.
Mòn mỏi chờ xét duyệt
Ông Nguyễn Doãn Long (72 tuổi, tại Hoằng Đồng, Hoằng Hoá, Thanh Hoá) là một trong số những cựu chiến binh có công với cách mạng, bản thân ông và các con cũng là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin nhưng tới nay ông vẫn chưa được hưởng chính sách.
Ông Long đã hàng chục năm mỏi mòn chờ được hưởng chế độ hỗ trợ. |
Tháng 4.1962, ông Long nhập ngũ và chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Đến tháng 1.1971, ông được ban chỉ huy cử đi học lái xe và chuyển đổi đơn vị chiến đấu, trở thành lái xe tại đội C13, Tiểu đoàn 51, Trung đoàn 33, Sư đoàn 471 thuộc Đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn). Trong thời gian này, ông bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin của Mỹ rải trên đường Trường Sơn. Mãi sau này, khi đã phục viên, lập gia đình và sinh con bị dị tật, dị dạng, ông mới biết mình đã nhiễm thứ chất độc hóa học quái ác ấy.
Sau nhiều lần khám nghiệm, bác sĩ kết luận con gái ông là Nguyễn Thị Lan (34 tuổi) bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam từ bố. Tuy nhiên, nghịch lý chính là con gái được hưởng chế độ trợ cấp nạn nhân chất độc da cam nhưng riêng ông, sau 4 năm làm hồ sơ tới giờ vẫn chưa được ghi nhận.
Không riêng gì ông Long, xã Hoằng Đồng cũng ghi nhận 8 trường hợp khác từng tham gia kháng chiến trong vùng có rải chất độc da cam, cùng đi chiến đấu một đợt với ông Long. Các con của họ cũng bị dị dạng, dị tật, được hưởng chế độ dành cho đối tượng nhiễm chất độc hóa học nhưng bố là người trực tiếp tham gia chiến đấu lại không được hưởng chế độ trợ cấp. Trong số này, người còn, người mất, nhưng đa phần sau một thời gian dài mòn mỏi chờ đợi, tất cả đều đã bỏ cuộc.
Còn nhiều vướng mắc
Theo ông Tạ Vân Thiều – Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) cũng thừa nhận thực tế: “Hiện nay, việc thực hiện chính sách cho người có công, đặc biệt là đối tượng tham gia kháng chiến nhiễm độc hóa học còn nhiều vướng mắc. Chủ yếu là do thủ tục chính sách, thiếu danh mục bệnh tật và quy trình giám định nạn nhân chất độc hóa học còn chưa chuẩn”.
Cũng theo ông Thiều, chính vì sự “chưa chuẩn” này mà Bộ LĐTBXH đã phải liên tục ra công văn, chỉ thị hướng dẫn việc thực hiện, gỡ bỏ các vướng mắc. “Tuy nhiên, vì chưa có sự phối hợp tích cực của các ban ngành nên càng gỡ càng mắc, nhiều đối tượng đã lợi dụng khe hở này làm giấy tờ giả” - ông Thiều khẳng định.
Dưới góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Minh Tâm – Trưởng ban Thực hiện chính sách, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cho rằng: “Thực tế, việc ban hành các công văn này (Công văn 1069 và Công văn 1040) của Bộ LĐTBXH còn những điểm chưa thật hợp lý. Ví như việc Công văn 1040 (ngày 9.4.2012) quy định trước mắt chỉ giải quyết những hồ sơ của đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư, còn những đối tượng khác chờ quy trình mới. Thực tế, công văn này quy định tạm dừng xét hồ sơ. Điều này “chơi khó” địa phương và gây bức xúc cho người có công đã làm hồ sơ và đang chờ giám định”.
Như vậy, vô hình trung, hàng triệu người có công với cách mạng, bị nhiễm chất độc da cam vẫn không được tiếp cận chính sách. Đa phần họ tuổi đã cao (từ 65-75 tuổi), có thể họ sẽ không thể chờ đợi được đến lúc được xét duyệt.
Minh Nguyệt