Dân Việt

Làng quê Hà Tĩnh sôi động... săn bắt đỉa

Hữu Anh 08/10/2014 19:01 GMT+7
Thời gian qua, tại nhiều làng quê ở Hà Tĩnh rộ lên việc người dân bắt đỉa để bán. Để mua được đỉa, các đầu mối thu gom đến các địa phương ra giá cho dân đi bắt, sau đó thu mua gửi ra Bắc bán.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc gom đỉa trong thời gian qua ở Hà Tĩnh bắt đầu rộ lên tại nhiều làng quê ở các huyện Can Lộc, Thạch Hà và Lộc Hà. Lúc đầu là những người lạ mặt đến từ các huyện, thậm chí từ Thanh Hóa vào tìm bắt, sau này việc bắt đỉa được chính người dân địa phương tham gia. Công cụ của họ là chiếc rổ nhựa dùng để vớt con đỉa, túi vải có cổ chai nhựa để bỏ đỉa vào cho dễ. Mỗi người chọn một đám ruộng dùng chân khuấy nước để đỉa bò lên rồi dùng rổ vớt, mỗi ngày một người kiếm được 500.000 đồng.

img
Ảnh minh họa.

Ngày 2.10, tại cánh đồng giáp ranh giữa 2 xã Thịnh Lộc và An Lộc, huyện Lộc Hà, có một nhóm 3 người đang dùng rá nhựa bắt đỉa. Một người tên Hương cho biết: “Đợt này người dân bắt nhiều quá nên đỉa cũng hiếm, một ngày lội ruộng mỗi người chỉ bắt được khoảng 5 lạng đỉa, tương đương 150.000 - 200.000 đồng”. Cũng theo chị Hương, mặc dù không biết họ thu gom đỉa làm gì nhưng đi bắt bán được tiền thì đi, thậm chí một số người dân còn đi đến cánh đồng các huyện khác bắt đỉa.

Ngày 6.10, trao đổi với ông Đào Văn Anh - công an viên thôn Hồng Thịnh, xã Thịnh Lộc, được biết trong xã này có ông Phan Đình Bài ở thôn Hồng Thịnh thu mua đỉa. Ông Anh còn cho biết: “Tôi đã trực tiếp đến nhà ông Bài 2 lần, thấy vợ ông Bài đưa đỉa vừa thu mua ra xổ sạch trước khi đưa đi. Tôi nghe ông Bài nói thu mua 1kg đỉa từ 200.000-300.000 đồng và gửi xe ô tô ra Bắc, cụ thể là ra Hà Nội bán”.

Cũng theo ông Anh, ở Thịnh Lộc chỉ có trẻ con đi bắt rồi bán cho ông Bài, còn người lớn không mấy ai đi bắt đỉa, ông Bài chủ yếu đi các xã khác đặt hàng cho dân rồi thu mua về. Trước câu hỏi tại sao địa phương không ngăn chặn việc ông Bài thu gom đỉa, ông Anh nói, chưa thấy cấp trên thông báo nên cũng không biết xử lý việc này thế nào.

Tuy nhiên, rất nhiều người dân lo lắng trước tình trạng này là nếu các đầu mối gom đỉa không đảm bảo an toàn sẽ trở thành đại dịch đỉa, thậm chí vì lợi nhuận họ sẽ đi nuôi đỉa.