Các chuyên gia cho rằng, nếu không sớm khắc phục “ba không” này thì dù Việt Nam và EU có ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cuối năm nay, XK nông sản của ta vào EU vẫn khó mà có sự bứt phá.
Vì sao “tuột dốc”?
Với kinh nghiệm gần 10 năm XK chè sang EU, ông Thân Dỹ Ngữ - Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Thành - Ecolink chia sẻ: Chè của Việt Nam XK vào EU đang giảm dần về số lượng, giá và cả thị phần. Năm 2007, tỷ trọng chè của Việt Nam XK vào EU là 20%, song hiện chỉ còn khoảng 7%. 10 thị trường XK chè lớn nhất của Việt Nam cũng không còn thị trường nào thuộc khối này.
Theo ông Ngữ, sự “tuột dốc” này mang tính hệ thống, từ việc chè Việt trên thị trường EU không có nhận dạng xuất xứ nguồn gốc, dư lượng hóa chất quá cao, thương hiệu chè Việt trên thị trường lại quá mờ nhạt, không có chứng nhận trách nhiệm xã hội trong sản xuất. “Chất lượng hàng hóa không ổn định cùng với hàng loạt vấn đề nêu trên thực sự là nguyên nhân khiến lượng chè XK sang EU ngày một giảm”-ông Ngữ nhấn mạnh.
Có thể nói, chất lượng hàng hóa là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt mở rộng cánh cửa vào thị trường EU, nhất là trong bối cảnh giá không còn chiếm vị trí hàng đầu trong cuộc chiến cạnh tranh trên thị trường thế giới nữa. Tuy nhiên, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của các nhà nhập khẩu EU không phải là bài toán dễ giải đối với doanh nghiệp XK nông sản Việt Nam, bởi nó còn liên quan đến năng lực tài chính, đầu tư công nghệ, khả năng đáp ứng các yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Thực tế, khi FTA chưa được ký kết thì nông sản của ta xuất sang EU vẫn có lợi thế hơn các mặt hàng cùng loại của Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, do Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các quốc gia hưởng Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GPS) của EU, trong khi hầu hết các quốc gia ASEAN khác đã bị loại bỏ hoặc bị hạn chế về khối lượng nhập khẩu. Câu hỏi đặt ra là lợi thế như vậy, song tại sao XK nông sản của ta vào đây vẫn “tuột dốc”?
Ông Nguyễn Mạnh Dũng-Cục Chế biến nông lâm thuỷ sản và Nghề muối (Bộ NNPTNT) cho rằng: Tất cả là bởi EU yêu cầu rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp, cách thức mà doanh nghiệp làm ra sản phẩm để XK. Ngay khâu đóng gói sản phẩm để XK sang EU cũng rất phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp Việt khó đáp ứng nổi...
Khó bứt phá nếu…
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, đến thời điểm này, các doanh nghiệp của ta vẫn chưa thực sự có sự chuẩn bị tốt để đón nhận những ưu đãi của FTA với EU. Khi ký FTA, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế về thuế suất. Các nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thể XK mạnh như lúa gạo, rau quả tươi, mật ong, cây thuốc, sữa ong chúa, thủy sản, lúa gạo… sẽ có cơ hội vào EU rất lớn. Nếu doanh nghiệp chưa sẵn sàng đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, những yêu cầu về trách nhiệm với người tiêu dùng, với xã hội theo yêu cầu của EU thì sẽ khó có sự bứt phá về XK.
Chẳng hạn, với các sản phẩm gỗ, đầu năm 2015 Việt Nam sẽ ký Hiệp định Đối tác tự nguyện với EU về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản nhưng các doanh nghiệp đều chưa đủ điều kiện đáp ứng sự minh bạch nguồn gốc gỗ. Hay với chè và nhiều sản phẩm nông sản khác vẫn vấp phải tồn dư chất bảo vệ thực vật khá cao. Doanh nghiệp lại chưa có cơ cấu sản xuất sản phẩm phù hợp để XK. Doanh nghiệp cũng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở chế biến khiến giá XK nông sản ngày một xuống thấp, điển hình là các bài học đối với chè, lợn sữa, cá tra…
Để đẩy mạnh XK và đón nhận cơ hội khi ký FTA với EU, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp XK nông sản Việt phải “làm ăn lại”. Thứ nhất là doanh nghiệp phải tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm để nâng tính cạnh tranh. Thứ hai là phải tìm hiểu kỹ thị trường EU, vì ngoài tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với xã hội, với người tiêu dùng… Đây là những vấn đề mà hầu như ít doanh nghiệp của ta nghĩ tới.
Ở góc độ cơ quan quản lý, hiện Bộ NNPTNT đã có nhiều hỗ trợ cho các doanh nghiệp XK nông sản, chẳng hạn nâng cao chất lượng nông sản tạo ra giá trị hàng hóa để có khối lượng XK phù hợp. Bên cạnh đó, giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ chế biến, khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài vào chế biến nông sản để nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ điều kiện XK sang EU.