Mấy năm không gặp, nhìn Thanh khác nhiều. So với cái ngày Thanh là “khách quen” của các chương trình truyền hình: Chuyện lạ Việt Nam, Hãy chọn giá đúng, Chiếc nón kỳ diệu, Sức sống mới, Gõ cửa ngày mới… cách đây gần chục năm, chị vẫn giữ được dáng người dong dỏng cao, nước da trắng nõn của những nữ VĐV may mắn được chơi môn trong nhà cùng nụ cười duyên dáng.
Quan trọng là tình cảm
Thời gian trôi đi, Thanh giờ có một tổ ấm hạnh phúc với cậu con trai kháu khỉnh 6 tuổi. Cô đằm thắm trong bộ váy đen sang trọng mang phong độ của một phụ nữ thành đạt: “Tôi làm việc ở Trung tâm TDTT của Mỹ đặt ở Láng Hạ (Hà Nội) từ đầu năm 2011. Với công việc tư vấn, giúp khách hàng có điều kiện tập luyện, cải thiện sức khỏe, tôi cùng với các cộng sự trong nhóm của mình đã mang về doanh thu tiền tỷ cho Trung tâm. Ngoài khoản lương cứng 20-30 triệu đồng/tháng, tôi được hưởng thêm % từ tổng số tiền thu về được. Nói chung, kinh tế giờ đã ổn nhưng lại thiếu thời gian cho gia đình” - Thanh tâm sự.
Lưu Thị Thanh (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Thanh kể, mỗi tháng cô chỉ có 2 ngày nghỉ tự chọn thời điểm. Mỗi ngày làm quần quật, nói liên tục bằng tất cả tâm huyết của mình để tư vấn tốt nhất cho khách hàng từ 9 giờ 30 sáng cho tới khoảng 22 giờ đêm: “Về đến nhà thì đã khoảng 22 giờ 30 rồi. Có hôm chồng vẫn còn ngồi chờ tôi về ăn cơm, còn con thì đã ngủ ngon giấc. Nhìn con mà tôi thương lắm, cháu cũng đã bắt đầu đi học và tôi cần có nhiều thời gian ở bên cạnh cháu hơn” - Thanh gượng cười nói, tay mở điện thoại khoe tấm hình cậu con trai đã biết phụ giúp mẹ tráng, úp bát đũa trong những ngày hiếm hoi cả nhà có dịp quây quần bên cạnh nhau.
Lưu Thị Thanh cùng con trai.
Bị công việc cuốn đi, ngay cả việc gặp gỡ bạn bè, những người đồng đội cũ ngày nào như Thúy Vinh, Thái Xuân, Hải Thảo, Bích Thùy… cũng luôn vội vàng với Thanh. Cô chỉ biết tranh thủ những chuyến công tác vào TP.HCM hoặc khoảng thời gian nghỉ trưa ít ỏi để ôn lại những kỷ niệm, những năm tháng đầy đam mê, “cháy” hết mình cùng cầu mây: “Mới đây, các đồng đội đến chỗ làm của tôi nhưng có kịp hàn huyên gì đâu. Chỉ kịp uống cùng nhau tách cafe, chụp tấm hình kỷ niệm thôi. Ai đó nghĩ giờ cuộc sống của tôi viên mãn lắm rồi, có nhà cao, cửa rộng ở Hà Nội, có ô tô đi làm, thu nhập ổn định... Nhưng đôi khi, tôi lại thèm cuộc sống của các đồng đội. Có người vẫn còn vất vả lắm, phải thuê trọ, có người gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống... nhưng họ có thời gian cho gia đình, người thân, còn tôi thì có quá ít. Chúng tôi ở nhà riêng ở Cầu Diễn, cách bố mẹ chồng mấy trăm mét nên thăm hỏi cũng tiện. Mẹ tôi ở với anh trai ở Thanh Xuân, vậy mà mỗi tuần tôi chỉ thu xếp về thăm mẹ được 1 lần. Mẹ tôi cũng yếu rồi, nhiều khi nghĩ mà tủi lắm, dù sao mình cũng là phận gái… Chắc làm nốt năm nay, tôi sẽ xin nghỉ thôi. Làm gì tiếp theo thì tôi chưa biết, nhưng cứ phải nghỉ đã rồi tính tiếp” - Thanh bộc bạch.
Mang ơn cầu mây
Hỏi Thanh giờ đã là “sếp” rồi, liệu có còn nhớ cầu mây không? Thanh chia sẻ: “Hiện tôi vẫn thuộc biên chế của Sở VHTTDL Thanh Hóa. Tương lai còn dài và không thể nói trước được điều gì. Nếu còn duyên, tôi sẽ trở lại với cầu mây xứ Thanh nói riêng và cầu mây Việt Nam nói chung. Nếu nói về tiền thì khoảng 3,5 năm làm ở Trung tâm, tôi kiếm được còn nhiều hơn 16 năm theo nghiệp cầu mây. Nhưng nếu không có cầu mây, tôi không thể có được như bây giờ. Tôi cảm thấy mình vẫn mang nợ cầu mây nhiều lắm!”.
Lưu Thị Thanh (trái) trong khoảng khắc đoạt HCV ASIAD 2006
Từ những ngày đầu vô cùng nhọc nhằn chuyển từ cầu chinh sang làm quen với trái cầu mây, cho tới khi cùng các đồng đội tỏa sáng đánh bại Thái Lan để giành 2 HCV, 1 HCB lịch sử tại ASIAD Doha-Qatar 2006 cứ hiện lên rõ mồn một trong Thanh: “Gia đình tôi không thiếu thốn gì, và tôi đến với thể thao hoàn toàn do đam mê. Từ nhỏ, tôi đã có thói quen không làm gì thì thôi, đã làm là phải tận tâm tận lực đến cùng. Trong 16 năm theo nghiệp cầu mây, có những lúc cũng nản lắm và cũng đã nghĩ từ bỏ” - Thanh nói.
Bước ngoặt cuộc đời trong năm 2005 khiến Thanh nhớ nhất. Ngày ấy, Thanh được VTV3 mời tham dự chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” và trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, Thanh đã đạt “kỷ lục” 5.485 lần tâng cầu – điều mà ngay cả các VĐV vốn suốt ngày chỉ ăn và tâng cầu như Thái Lan, Myanmar cũng khó làm được. Nhưng ai ngờ, cũng chỉ vì sau lần ghi hình đó cộng với những tâm sự rất thẳng thắn về chuyên môn cầu mây trên truyền hình khiến Thanh bị… ghét. Thanh bị đẩy xuống đội trẻ tập, bị trừ lương, phải ở nhà không được xuất ngoại cùng các đồng đội tập huấn trước thềm SEA Games 2005 vì bị cho rằng mắc bệnh… sao. Một số người ác ý còn đánh vào lòng trung thành, ý chí của Thanh khi tung tin “biết đâu nó bán độ vì cả đội chỉ mình nó nói thạo tiếng Thái…”: “Khoảng thời gian đó như một cực hình với tôi, tôi cảm thấy khủng hoảng tinh thần, cũng muốn nghỉ thật nhưng nếu từ bỏ thì hóa ra những lời đồn đại là đúng sao? Vậy là tôi cố gắng tập và may sao, chúng tôi đã thành công ở ASIAD 2006. Tôi còn nhớ, khoảnh khắc đánh bại Thái Lan tôi đã khóc ngon lành. Khóc như chưa bao giờ được khóc”.
Với Lưu Thị Thanh, càng khó khăn bao nhiêu, chị càng nỗ lực khẳng định giá trị bấy nhiêu và rồi mọi thứ cứ đến với chị một cách vô cùng tự nhiên. Đến lúc này, Thanh chính là VĐV sở hữu những kỷ lục mà không phải ai cũng có thể vươn tới: 4 lần dự ASIAD liên tiếp (1998, 2002, 2006, 2010), 5 lần dự SEA Games (1997, 2001, 2003, 2005, 2009) liên tiếp cùng bộ sưu tập gần 100 chiếc huy chương trong nước và quốc tế. Ngoài 2 tấm “vàng mười” ASIAD 2006, từ SEA Games 2003 tổ chức ở Việt Nam, Thanh cùng các đồng đội đã khiến người Thái phải ngỡ ngàng. Thời điểm đó, ở nội dung vòng tròn tính điểm, Thanh chính là “nhạc trưởng” trong thành tích 4.915 điểm của Việt Nam. Không chỉ vượt qua Thái Lan để đoạt HCV, mà còn vượt xa kỷ lục ASIAD 2002 (4.515 điểm) do chính người Thái xác lập.
Giờ ở tuổi 31, “cô gái vàng” từng đoạt ngôi á quân Cuộc thi Phụ nữ thế kỷ 21 do VTV3 tổ chức năm 2007 với dấu ấn đặc biệt ở phần thi Từ thiện (dùng số tiền 20 triệu đồng thu được từ việc bán chiếc áo thi đấu khi đăng quang tại ASIAD 2006, có chữ ký tặng của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ủng hộ vào Quỹ Trẻ em nghèo tỉnh Khánh Hòa-nơi diễn ra phần thi này) nói: “Bao nhiêu huy chương tôi đều cất hết vào tủ, và khi nào nhớ lắm mới một mình mang ra ngắm. Tôi muốn dạy dỗ con qua những ứng xử thực tế hàng ngày, chứ không dựa vào ánh hào quang từ trong quá khứ. Bản thân tôi tin các VĐV đều có thể thành công nếu luôn duy trì, thắp sáng lửa đam mê. Những gì mà họ có, không dừng ở những tấm huy chương, những khoản tiền thưởng khi còn thi đấu. Mà xa hơn, với “cái nền”, nhờ những giá trị mà thể thao mang lại, họ sẽ được xã hội thừa nhận và sẽ tìm được một công việc phù hợp, được trọng dụng sau khi chia tay sàn đấu” - Thanh chốt lại.
Một ngày tháng 2.2011, khi tôi đi làm tóc tại một cửa hàng quen ở Láng Hạ, gần chỗ tôi làm việc bây giờ, cô em làm tóc đã giới thiệu tôi sang tập ở Trung tâm. Thế rồi tôi… chẳng tập và xin vào làm luôn với mức lương cứng ban đầu là 10 triệu đồng/tháng. Giờ tôi đã là quản lý ở Trung tâm, với mức lương tốt hơn nhiều” - Lưu Thị Thanh