Cấm giảng viên, sinh viên mặc quần jeans
Ngày 4/10, Phó hiệu trưởng của ĐH Cửu Long - ông Nguyễn Cao Đạt - đã ký quyết định ban hành văn bản Quy định về thực hiện văn hoá công sở và trang phục đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên. Văn bản này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Những ngày qua, sinh viên ĐH Cửu Long vẫn tiếp tục mặc quần jeans đến trường.
Nội dung văn bản có điều 4, chương I quy định việc mặc quần jeans, áo thun và đi dép lê là bị cấm đối với toàn thể cán bộ, sinh viên của nhà trường. Ngoài ra, văn bản hướng dẫn vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, các thành viên trong trường mặc áo dài truyền thống đối với nữ và quần tây hoặc quần kaki, áo sơ mi trắng đối với nam.
Các ngày còn lại, mọi người mặc trang phục tự chọn cách lịch sự, trang nhã; đi giày hoặc dép có quai hậu, đảm bảo gọn gàng, kín đáo và không để lộ nội y gây phản cảm, mất mỹ quan; nếu sử dụng áo thun phải có cổ, tay áo lịch sự.
Loạt quy định về phong cách ăn mặc của sinh viên này đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều, đặc biệt là với “lệnh cấm” mặc quần jean bởi kiểu trang phục này vốn rất quen thuộc và phổ biến ở nhiều trường đại học.
“Cấm mang dép lê còn có thể, chứ cấm mặc quần jean thì áp đặt quá! Nói cấm là phù hợp truyền thống, bản sắc văn hoá nhưng rõ ràng truyền thống của trường là hơn 80% giáo viên, sinh viên thích mặc quần jeans”- một giảng viên phân tích.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít người tỏ ra đồng tình: “Mình ủng hộ. Đi học thì nên ăn mặc cho lịch sự”, “Rất đồng tình và cần nhân rộng. Trang phục rất liên quan đến hình thành nhân cách và cách ứng xử giao tiếp”…
Theo ghi nhận, sáng 6.10, ghi nhận tại ĐH Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long), hơn 80% sinh viên của trường vẫn mặc quần jeans đến giảng đường.
Cấm học sinh mặc quần ống bó
Năm 2013, hơn 100 học sinh Trường THPT Hà Huy Giáp (thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) đã phải về nhà thay trang phục vì mặc quần ống bó, không đúng quy định của nhà trường.
Cách đây 5 năm, Trường THPT Hà Huy Giáp đã đưa ra quy định mẫu quần đồng phục của học sinh có ống quần rộng 18 -20cm. Tuy nhiên nhiều em học sinh không tuân thủ quy định này và “bóp” ống quần chỉ còn 10 – 12 cm. Nhà trường cho biết những năm trước, các trường hợp vi phạm không bi xử phạt mà chỉ nhắc nhở, vì thế nên ngày càng có nhiều học sinh mặc quần bó, cạp trễ không phù hợp với môi trường học đường.
Việc yêu cầu học sinh không mặc đúng quy định về nhà thay trang phục phù hợp của trường Hà Huy Giáp là hợp lý. Song sự việc này cũng từng gây ồn ào khi các phụ huynh hiểu lầm là học sinh bị nhà trường đuổi về do mặc sai trang phục.
Năm 2011, một số phụ huynh có con em theo học trường Ngô Sĩ Liên đã gửi đơn thư lên báo chí phản ánh về chuyện học sinh bị đưa vào toa lét để đo ống quần. Hễ ống quần to hơn một viên gạch thì bị coi là vi phạm quy định trang phục.
Việc xử phạt thì không sai nhưng cách thức giáo viên kiểm tra đo ống quần học sinh trong nhà vệ sinh như trong đơn thư lại gây ra bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên theo cô Lý Thị Lương, hiệu trưởng trường Ngô Sĩ Liên thì phản ánh của các phụ huynh trên là không đúng sự thực.
Cấm giảng viên mặc váy
Đầu năm học 2013 - 2014, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Việt Trung, Quảng Bình đưa ra quy định cấm nữ giáo viên mặc váy lên lớp.
Theo ông Hiệu trưởng Lê Văn Hà thì quy định này xuất phát từ thực tiễn: "Ở trường tôi, đã có trường hợp cô giáo bị quạt tốc váy trong khi lên lớp khiến học sinh cười ồ, mất trật tự nên việc cấm các cô mặc váy lên lớp được giáo viên, học sinh và phụ huynh rất đồng tình ủng hộ".
Tuy nhiên nhiều giáo viên cho rằng câu chuyện mà ông Hà vừa nêu là bịa đặt và chia sẻ việc cấm tất cả các loại váy gây khó khăn, làm ảnh hưởng tới thu nhập của họ do phải bỏ tiền sắm thêm quần.
Trước nhiều ý kiến phản đối, Hiệu trưởng trường Việt Trung đã cho biết quy định này chỉ là tạm thời và sẽ còn điều chỉnh nếu chưa phù hợp.
Đồng phục học sinh nông thôn có giá bằng cả tạ thóc
Năm học 2013 - 2014, Trường tiểu học Văn Bình (xã Văn Bình, H.Thường Tín, Hà Nội) quyết định đồng phục của học sinh tiểu học sẽ có kiểu dáng, mẫu mã như veston Hàn Quốc. Mỗi bộ có giá gần 700 ngàn đồng.
Mẫu đồng phục này có giá tới 700 ngàn đồng.
Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng giá đồng phục như vậy là quá cao so với mức thu nhập của người dân nông thôn. Sau đó, phía nhà trường đã cho biết việc may đồng phục này là không bắt buộc, có thể đóng tiền thành nhiều lần hoặc nếu không mua được cả bộ thì mua từng món rời như cái nơ, quần… cũng được.
Tuy nhiên đa số phản hồi của dư luận cho rằng điều này cũng không thể chấp nhận được vì nó làm mất ý nghĩa của đồng phục.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tin đã chỉ đạo dừng việc may đồng phục ở trường.
Cấm sinh viên mặc đồng phục thể dục vào giảng đường
Tháng 9.2013, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM còn cực đoan hơn khi cấm sinh viên mặc đồng phục thể dục vào giảng đường, tức là sau giờ thể dục sinh viên phải nháo nhào đi thay trang phục rồi mới được vào lớp.
Ngoài ra, một số trường như CĐ Viễn Đông, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Phú Yên, ĐH Đồng Tháp, ĐH Quốc tế Miền Đông, ĐH Bạc Liêu… quy định sinh viên phải mặc đồng phục cả tuần hoặc một số ngày trong tuần. Có trường còn chi li trong quy định bắt sinh viên ngày nào phải mặc loại quần áo gì, màu sắc ra sao, giày dép thế nào.