Vì sao ông lại có nhận định như vậy?
- Đọc loạt bài của báo NTNN, tôi thấy vấn đề liên quan đến dân sinh và có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của dân cư cả một xã mà không hỏi ý kiến của dân, áp đặt đưa ra quyết định là chưa hợp lý. Trong khi đó, mục đích của việc sáp nhập trường mà tỉnh Hà Tĩnh đề ra là để nâng cao chất lượng dạy học, giúp cho học sinh có điều kiện học tập tốt hơn. Nhưng, nếu học sinh phải đi học xa, mệt mỏi, căng thẳng thì liệu chất lượng học có thực sự tốt hơn được hay không? Tôi chắc rằng riêng việc duy trì sĩ số đã khó rồi.
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ
Lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Hà Tĩnh cho rằng họ dồn trường đúng tiêu chí, đúng quy hoạch và các nơi khác đều chấp hành, trừ xã Hương Bình nên lỗi ở đây là của người dân, ông nghĩ gì về “lý luận” đó?
- Chúng ta không nên cứng nhắc với các tiêu chí trong việc quy hoạch lại trường lớp ở những vùng có đặc điểm về địa hình, kinh tế và xã hội không giống nhau. Việc tỉnh Hà Tĩnh cho rằng họ đã làm được ở hầu hết các địa bàn trong tỉnh chứ không chỉ Hương Bình là một suy nghĩ rất cứng nhắc. Giải pháp cho vấn đề này rất đơn giản. Thay bằng việc dồn trường THCS Hương Bình sang hai xã lân cận sao ta không dồn trường tiểu học với THCS làm một?
Ông có thể nói rõ hơn về giải pháp này?
- Hiện nay, trên thế giới rất nhiều nước đã thực hiện mô hình trường nhiều cấp học đạt hiệu quả rất tốt. Ví dụ như ở Đức có trường liên cấp từ cấp 1 đến cấp 3, ở Nhật thậm chí còn liên cấp từ cấp học mầm non lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Ở Hà Nội, cũng đã có những mô hình trường liên cấp chất lượng cao như Đoàn Thị Điểm, Đông Đô, đặc biệt trường Thực Nghiệm chất lượng được tin tưởng đến mức đã từng có tiền lệ phụ huynh xếp hàng, đạp cổng mua đơn xin nhập học cho con. Hơn nữa, ở những mô hình trường này, phụ huynh rất an tâm gửi con học, không lo ngại vấn đề “nhũng nhiễu” khi chuyển cấp, bộ máy quản lý cũng gọn nhẹ, hoạt động nhịp nhàng hơn…
Nhưng mô hình này mới chỉ áp dụng ở thành phố, liệu áp dụng cho khu vực nông thôn có phù hợp?
- Mô hình này hoàn toàn có thể thực hiện ở các vùng nông thôn trong trường hợp dân số tăng, giảm cơ học như hiện nay. Khi nhu cầu của việc dồn, sáp nhập trường là cần thiết thì ở những địa bàn phải di chuyển xa có thể dồn theo cấp học, tinh giản bộ máy quản lý đi, tập trung sự quan tâm của chính quyền địa phương vào một chỗ.
Ví dụ như ở xã Hương Bình, sĩ số tiểu học và THCS là hơn 500, cơ sở vật chất 2 trường lại rất tốt, lại nằm sát nhau, vậy thì việc dồn cấp học là rất dễ dàng. Sau khi dồn trường, việc phải làm là nâng cao trình độ, khả năng tổ chức cho bộ máy lãnh đạo liên cấp. Nếu làm tốt, địa phương vừa giảm được biên chế, hạn chế lãng phí nhân lực lại thuận lợi cho học sinh trong việc đi lại, giúp phụ huynh an tâm khi cho con đi học. Vấn đề này không hề khó làm, vậy vì sao lại đẩy khó cho dân?
Xin cảm ơn ông!