Ngày 1.10.1954, theo thỏa thuận giữa ta và chính quyền thực dân Pháp, một nhóm cán bộ chiến sĩ từ chiến khu đã vào Hà Nội trước để chuẩn bị công việc bàn giao và những tiền đề cho việc đón đại quân trở về.
Chúng tôi có dịp gặp ông Phạm Minh Nguyệt, là một người đã từng tham gia phái đoàn này. Ông Nguyệt kể: “Trước cách mạng, tôi là sinh viên và đã có vốn kha khá về tiếng Anh, Pháp. Trước đó vài tháng, tôi đang tham gia đội phát động quần chúng thì có lệnh của cấp trên gọi về.
Đến nơi tập trung tôi mới biết được nhận nhiệm vụ làm phiên dịch cho nhóm sĩ quan vào Hà Nội sớm, dưới sự điều khiển của Ủy ban đình chiến TƯ để chuẩn bị cho công cuộc tiếp quản. Nhóm công tác khoảng 9-10 người, các sĩ quan liên lạc, những phiên dịch và vài cấp dưỡng.
Chúng tôi được cấp tốc huấn luyện thêm tiếng Anh trong vòng 1 tháng mà giáo viên là ông Đặng Trần Liên – phiên dịch cho phái đoàn ta tại Hội nghị Genève. Sở dĩ phải có tiếng Anh vì ngoài tiếng Pháp, thì việc tiếp xúc với sĩ quan nước ngoài trong Ủy ban quốc tế (Ấn Độ, Ba Lan, Canada) thông qua Anh ngữ.
Xe đưa phái đoàn chúng tôi vào một villa nhỏ nằm kín đáo trên đường Trần Hưng Đạo. Phía Pháp yêu cầu ta tuyệt đối tránh tiếp xúc với dân chúng.. Gã trung úy Pháp nói: “Nếu dân chúng biết, họ hò reo, tung hô thì chúng tôi bẽ mặt, ngược lại những kẻ cực đoan khi gặp các ông gây rắc rối thì cũng phiền; người Pháp phải chịu trách nhiệm về an ninh phái đoàn”.
Tuy vậy, không thể giấu được nhân dân. Chúng tôi nhận rõ những ánh mắt kính trọng, vị nể…
Hàng ngày, 6h30’, xe “zip” quân đội Pháp đến chở phái đoàn đến các công sở, bệnh viện, bưu điện xem xét tài liệu, đồ lưu trưc bàn giao giữa 2 chính quyền. Cảnh sát Pháp bảo vệ khá chặt chẽ. Những nhân viên phục vụ người Pháp thường là cấp úy. Cũng có hôm chúng tôi đến làm việc với các sĩ quan nước ngoài trong Ủy ban quốc tế. Lần này, tinh thần quân đội Pháp đã rệu rã. Họ hiểu rằng đã thất trận nên chỉ muốn làm cho xong để rút. Mệnh lệnh phía ta: những bất đồng tranh chấp với Pháp phải giải quyết bằng được, không cho Pháp mang đi thứ gì, nhưng sao cho biên bản vẫn ký kịp vào đúng 12 giờ trưa 10.10.1954.
Trong nhóm sĩ quan của Ủy ban quốc tế, không khí cũng phức tạp. Những người bạn Ba Lan có thiện cảm với chúng ta, là đồng minh, đồng chí qua từng ánh mắt, cử chỉ. Còn những người khác lúc đó do chưa hiểu cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam nên không khỏi có ý, thù địch.