Đi shopping về, chị Lan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hứng khởi khoe với chồng là sở thích của chị nay không còn bị ảnh hưởng bởi bão giá nữa. “Xăng xe, thực phẩm, điện nước đều lên giá ầm ầm, đến mấy vại bia, món nhậu của ông chồng cũng tăng vài nghìn, chỉ có váy áo của mình vẫn giữ giá”, chị vui vẻ nói.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng "cam kết" này để thu hút khách. |
Chị Lan cho biết thêm, cửa hàng chị vẫn mua quen mới áp dụng chương trình bán hàng cam kết không tăng giá sản phẩm, tức là dù giá cả trên thị trường có biến động thì các mặt hàng ở đó vẫn được giữ nguyên giá.
Chị Hà, nhân viên của hệ thống cửa hàng này trên đường Thái Hà cung cấp, áp dụng chương trình như vậy, giá các sản phẩm đều không thay đổi, bất chấp giá tiêu dùng tăng, như áo sơ mi hoặc chân váy vẫn ở mức 590.000-690.000 đồng mỗi chiếc, các mẫu đầm dự tiệc vẫn từ 1,8 đến 2,2 triệu.
Không chỉ mặt hàng thời trang, nhiều sản phẩm khác như đồ điện, chăn ga gối đệm...cũng được nhiều chủ kinh doanh áp dụng hình thức này. Anh Hiếu, chủ cơ sở bán thiết bị điện ở phố Nguyễn Ngọc Nại (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, cửa hàng của anh áp dụng chương trình này từ năm ngoái và bằng chứng là một năm trôi qua, các mặt hàng vẫn được giữ nguyên mức giá cũ.
Anh cho biết, chương trình này ra đời nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Vì trong thời điểm rất nhiều hàng hóa tăng giá, không ít người lo ngại khi chọn mua các sản phẩm thiệt bị điện như quạt, đèn, điều hòa...nhất là khi sắp bước vào mùa nắng nóng. Chương trình giữ giá để tạo lòng tin nơi khách, giúp người mua an tâm. “Bằng việc thu hút số lượng khách ổn định và nhiều hơn sẽ bù lại doanh thu đã thiệt hại từ việc giá bán hàng không lên còn giá nhập vẫn tăng”, anh Hiếu mách nước.
Chiêu thức kinh doanh này hiện thu hút khá đông khách hàng. |
Theo nhận định của các chủ kinh doanh, hình thức này đang mang lại tín hiệu khả quan, doanh thu tăng đáng kể. Công ty Ivy Moda, một trong những doanh nghiệp áp dụng chương trình này cung cấp, số lượng khách tăng 20% và lượng hàng bán ra còn tăng nhiều hơn vậy vì khi mức giá phù hợp, mỗi người tiêu dùng đến có thể mua tới vài chiếc.
Bác Mạnh, chủ cửa hàng tạp hóa trong khu Phương Mai chia sẻ, kể từ khi quyết tâm không tăng giá bán dù giá nhập hàng chênh lên vài nghìn, khách đến đông hơn hẳn. “Tôi xem tivi, thấy siêu thị có chương trình 'bình ổn giá' nên người mua đông, tôi cũng thử làm như vậy, lấy số lượng bù tăng giá”, bác Mạnh nói.
Tuy nhiên, vẫn không ít người tiêu dùng cảm thấy hoài nghi với những chương trình kích cầu trên. Khi nghe nói về chiêu khuyến mãi mới này, chị Thu An (Võng Thị, Hà Nội) phàn nàn cho rằng, vấn đề là khi hàng đến tay người tiêu dùng, giá có đúng như mức cam kết hay không. Vì theo chị An, hồi Tết các công ty bia đều cam kết không tăng giá, với 335.000 đồng mỗi thùng bia Heineken nhưng đến khi chị vào siêu thị mua, giá vẫn là 390.000 đồng.
Thêm đó, chị Hương (Tuệ Tĩnh, Hoàn Kiếm), một khách hàng của chuỗi cửa hàng thời trang nổi tiếng đang triển khai chương trình không tăng giá, chia sẻ, theo cảm nhận của chị mẫu mã và chất lượng sản phẩm có phần sụt giảm hơn trước, chưa kể việc nhãn hàng tăng giá một vài chục nghìn mỗi khi mẫu mới ra đời thì người tiêu dùng cũng khó lòng có thể kiểm chứng được.
“Trong khi rất nhiều cửa hàng thời trang ồ ạt giảm giá mà vẫn ế ẩm thì việc hút khách do giữ giá là hình thức mới nên khiến nhiều người tò mò”, chị Hương bày tỏ.