Đối thủ quá mạnh
Trở lại thời điểm cách đây 1 tháng khi dẫn dắt các học trò tới Hà Nội dự giải U19 Đông Nam Á 2014 trên sân Mỹ Đình, HLV Suzuki Masakazu (U19 Nhật Bản) đã khẳng định trận thua 0-7 của thầy trò HLV Guillaume ở giải giao hữu quốc tế đầu năm nay tại TP.HCM không phản ánh đúng trình độ giữa hai đội. U19 Việt Nam là một đội bóng tốt với nhiều cầu thủ có tài, đặc biệt là Công Phượng.
Lời phát biểu nói trên của HLV Suzuki là thật lòng hay khách sáo xét ra cũng chẳng cần bàn nhiều. Chỉ biết rằng sự chênh lệch đẳng cấp giữa 2 nền bóng đá Việt Nam và Nhật Bản là rất rõ ràng. Từ cách đây nửa năm, khi có kết quả bốc thăm Vòng chung kết giải U19 châu Á, đưa U19 Việt Nam vào bảng tử thần, tuyển thủ Lê Công Vinh đã nói: “U19 Việt Nam cần biết mình đang ở thế “cửa dưới”, và với tư thế đó, chúng ta phải chơi như thế nào để “thu hoạch” được nhiều nhất. Hơn hết, tất cả cần có những nhận xét thẳng thắn, đóng góp mang tính xây dựng để lứa U19 phát triển. Tương lai của các em còn dài chứ không chỉ nằm ở một giải đấu quá tầm như thế này”.
Cần nhớ, trong cả 3 lần đọ sức gần đây nhất với U19 Nhật Bản, U19 Việt Nam đều thua tâm phục, khẩu phục. Hai trận gần nhất ở vòng bảng và chung kết giải U19 Đông Nam Á 2014, U19 Việt Nam chỉ thua sát nút (2-3 và 0-1). Nhưng kết quả chẳng mang nhiều ý nghĩa, bởi hầu hết những ai chứng kiến hai trận đấu đó đều có chung cảm nhận đối thủ (dù dùng đội hình 2) vẫn hơn ta nhiều.
Đừng đánh mất chính mình
Nhật Bản - với những nhân tố xuất sắc trong đội hình từng dễ dàng thắng U19 Việt Nam 7-0 như trung vệ đội trưởng Genta, tiền vệ Masaya, Takahiro, tiền đạo Ochi Yamoto, Kaneko Shota… chẳng khó để dự đoán về một thế trận nghiêng hẳn về phía đối phương khi hai đội tái ngộ chiều nay ở Myanmar. U19 Nhật Bản sẽ còn mang theo ý chí quyết thắng mạnh mẽ bởi họ đã thúc thủ 1-2 trước U19 Trung Quốc trận ra quân.
Giờ là lúc, HLV Guillaume cần phát huy tốt nhất năng lực trong vai trò một… bác sĩ tâm lý. Chưa ai quên, trước trận chung kết giải U19 Đông Nam Á hồi giữa tháng 9, ông Đoàn Nguyên Đức đã thẳng thắn trả lời báo chí khi được đặt vấn đề có hay không cần một bác sĩ tâm lý cho đội U19. Thời điểm đó, bầu Đức nói rất ý tứ: “Có bác sĩ tâm lý cũng tốt nhưng ở Học viện thì chưa cần. Đơn giản vì tôi đang có một bác sĩ làm rất tốt công tác tâm lý cho cầu thủ là HLV Guillaume”. Bầu Đức tin như thế, nhưng trước “bài toán” hóc búa ngay trước mắt, liệu HLV Guillaume có thể giúp các học trò quên đi thất bại đau đớn 0-6 trước U19 Hàn Quốc, để vững vàng bước vào trận đấu với U19 Nhật Bản?
Nếu như với U19 Hàn Quốc, chúng ta cần biết mình, biết người, thì ở cuộc đọ sức với U19 Nhật Bản là lúc U19 Việt Nam phải “quên” đối thủ đi. Chỉ có cách nhập cuộc với một tâm lý thật thoải mái, nhớ lại những kỷ niệm cùng chơi bóng, tâng bóng, “đá ma” bằng chân trần trên thảm cỏ mượt mà ở Học viện Bóng đá HAGL-Arsenal JMG, những Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh… mới có thể tạo ra một thế trận tốt trước U19 Nhật Bản.