Ông Lê Quốc Phong cho biết: Nông dân trong bất cứ lĩnh vực nào, vùng miền nào, dù ở biển hay ở đất liền nếu có đóng góp cho đất nước thì đều xứng đáng được tôn vinh. Trong lao động sản xuất, họ có những ý tưởng, sáng kiến để cải thiện cuộc sống của bản thân họ, sau đó là đóng góp cho xã hội, cho đất nước.
Bình Điền tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, đóng góp cộng đồng ở khu vực nông thôn. Thông qua các hoạt động này Bình Điền có mong muốn gì đối với bà con nông dân, thưa ông?
- Với Bình Điền, nông dân là người nuôi sống mình. Nuôi sống ở đây có rất nhiều nghĩa. Có thể người ta làm ra lúa gạo, nông sản, tôm cá… để nuôi sống mình, đấy là hàm nghĩa nói chung về mặt xã hội. Nhưng nghĩa cụ thể hơn là chính những người đó tạo dựng, góp phần vào để Bình Điền phát triển. Do đó Bình Điền càng phát triển thì càng không được quên sự đóng góp đó. Mặc dù sự đóng góp đó có thể là vô hình, nhiều lúc người nông dân hoàn toàn không để ý tới. Ví dụ như bà con sử dụng phân bón của Bình Điền cũng đã đóng góp cho sự phát triển của Bình Điền. Do đó mọi chương trình Bình Điền tham gia cũng đều về bà con nông dân, đặc biệt là những người nghèo, những vùng khó khăn.
Rất nhiều chương trình Bình Điền tham gia chủ yếu hướng đến mảng giáo dục. Phải chăng vấn đề dân trí đang là cấp thiết, cần được ưu tiên ở khu vực này?
- Đúng là Bình Điền đã tham gia nhiều chương trình trao học bổng: Học bổng Tiếp sức đến trường cho các em sinh viên; học bổng Vì tương lai Việt Nam cho học sinh cấp 2, cấp 3; học bổng về một số địa phương cho các chương trình tiểu học… Tuy nhiên cũng có nhiều chương trình xã hội khác mà Bình Điền tham gia rất thường xuyên. Chẳng hạn, chương trình Mái ấm Bình Điền xây nhà cho nông dân nghèo, trao nhà tình thương, nhà tình nghĩa… Chưa kể nhiều hoạt động đóng góp trực tiếp ở các địa phương trên cả nước, hội nông dân các tỉnh, các huyện, các cơ quan mặt trận… Khi có những việc cần thiết Bình Điền đều sẵn sàng chia sẻ.
Vậy theo ông, vấn đề gì là căn cơ nhất để giúp người dân nông thôn có cuộc sống tốt hơn một cách bền vững?
- Hỗ trợ các chương trình như đã nêu không nằm trong mục đích lâu dài của Bình Điền, vì đó chỉ là giải quyết việc trước mắt với những trường hợp khó khăn. Hay nói cách khác, đó mới chỉ là cho bà con con cá. Mục đích lâu dài của Bình Điền là hỗ trợ rộng hơn, đó là truyền đạt kiến thức, tạo cho bà con cái cần câu. Từ cái cần câu đó, bà con nông dân có thể làm bằng sức lao động của mình. Với điều kiện như vậy mới đảm bảo cho người dân có cuộc sống ổn định, lâu dài.
Tuy nhiên, với địa bàn nông thôn trải rộng, đi lại khó khăn, trình độ học vấn hiện tại sẽ không dễ để chuyển giao kiến thức khoa học, kỹ thuật?
- Ngày xưa còn mời người dân đến tập huấn, khi về thì có người nhớ người quên, sẽ làm không trúng. Giờ hướng dẫn và thực hành tại chỗ, giống như bắt tay chỉ việc. Hoặc là đào tạo, hỗ trợ nhân lực tại chỗ, thường là con em ở chính địa phương đó, rồi chính những người này sẽ trực tiếp cầm tay chỉ việc lại cho bà con nông dân.
Là ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam, theo ông, các hoạt động hội hiện nay cần ưu tiên những gì để ngày càng có nhiều nông dân có thể làm giàu trên mảnh đất của mình?
- Vấn đề đầu tiên là công tác dạy nghề, đào tạo nghề cho nông dân. Hiện nay ta có nhiều trung tâm dạy nghề, nhiều nông dân trồng lúa nhưng ta chưa dạy cho họ cách trồng lúa như thế nào cho hiệu quả. Mình chưa coi làm lúa là cái nghề, mà lại dạy nghề đan lát, rồi nghề thêu thùa… Nếu ta xác định nông nghiệp là nghề chính của bà con thì phải tổ chức việc dạy nghề như thế nào cho phù hợp. Trong suy nghĩ của cán bộ mình, người nông dân làm lúa quen rồi, chẳng cần phải dạy nữa. Nhưng thực tế khoa học, kỹ thuật đang ngày càng có những tiến bộ, đòi hỏi chúng ta phải dạy, đào tạo liên tục. Rồi trồng lúa trên đất phèn, trồng lúa trên đất cát, trên đất phù sa; trồng cây chỗ này chỗ kia… tất cả đều phải dạy. Đấy chính là cách làm thiết thực cho bà con nông dân, mà Hội làm được thì mới tạo ra sức hút để nông dân gắn bó, đến với Hội.
Thứ hai là cần quy hoạch tập trung lại hoạt động sản xuất. Hội Nông dân mình cần làm việc với các cơ quan chức năng để làm sao sản xuất tránh khỏi manh mún. Như Bộ NNPTNT đang đẩy mạnh việc phát triển cánh đồng lớn. Tôi đã đi gặp nông dân ở Sóc Trăng cùng làm cánh đồng lớn sử dụng giống lúa ST, dân hay gọi là giống lúa Ông Cua. Tham gia làm tập trung quy mô như vậy người nông dân lợi được nhiều thứ. Thứ nhất là về giống, người ta mua được giống xác nhận, không bị ép giá. Thứ hai, phân bón cũng thế, được mua tận gốc, không bị ép giá… Thậm chí các đơn vị cung ứng vật tư cũng có những ưu tiên, như không lấy tiền liền, không tính lãi suất. Cuối cùng là đầu ra đảm bảo, khi sản xuất theo mô hình đó chắc chắn có người mua… Hội làm được việc này thì sẽ kết nối bà con nông dân lại với nhau, tạo được sự gắn bó, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức sản xuất. Như vậy cũng là cách nhân rộng nhanh nhất những mô hình nông dân sản xuất giỏi.
Thứ ba là quan tâm đến vấn đề tập tục, tập quán, tạo cho đời sống bà con văn minh hơn.
Ông có thể nêu kinh nghiệm thực tiễn mà Bình Điền đã làm thời gian qua?
- Vấn đề xuất phát từ mục đích. Về nông thôn, trình độ kiến thức của bà con so với ở thành phố có sự chênh lệch khá lớn. Chênh lệch đó có thể do đời sống vật chất khó khăn. Đời sống vật chất khó khăn thì rõ ràng đời sống tinh thần sẽ bị thiếu thốn. Đời sống tinh thần thiếu thốn thì sẽ dẫn tới ảnh hưởng đến phát triển về dân trí.
Từ đó, muốn làm thì phải lựa chọn cái nào là chính, cái nào là phụ, mà làm một cái thì không thể giải quyết được vấn đề. Chúng tôi xác định cái đầu tiên là phải cố gắng làm sao nâng cao đời sống vật chất của bà con nông dân lên. Bên cạnh đó có những chương trình, như học bổng, các công trình trường học, các chương trình hạ tầng cho nông thôn…
Xin cảm ơn ông!