Dân Việt

Bắc Ninh phục dựng 2 nhà chứa quan họ kiểu cổ: Lại được hát tàn đêm rạng ngày...

Kim Hoa 13/10/2014 09:52 GMT+7
Quan họ cổ không thể sống trong đời sống hôm nay nếu không có nhà chứa - nơi các liền anh, liền chị có thể ngồi “ca cho tàn canh, mãn võ, cho tàn đêm rạng ngày”. Hai ngôi nhà chứa sẽ được phục dựng với mức đầu tư lớn tại Bắc Ninh. 

Như trầu thiếu vôi…

Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân ca quan họ Bắc Ninh và ca trù giai đoạn 2013-2020” đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt, Sở VHTTDL Bắc Ninh đang tiến hành các bước phục dựng nhà chứa quan họ theo hình thức ngôi nhà truyền thống kiểu cổ tại TP.Bắc Ninh và thị trấn Lim, huyện Tiên Du. Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Văn Phong cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất và được UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý chủ trương phục dựng nhà chứa quan họ theo hình thức ngôi nhà truyền thống kiểu cổ (5-7 gian) với mức đầu tư khoảng 6 tỷ đồng một nhà chứa. Hai ngôi nhà chứa quan họ sẽ được phục dựng đầu tiên trong đợt này gồm một nhà tại khu Đương Xá 3, phường Vạn An (TP.Bắc Ninh) và một nhà xóm Đông, thôn Lũng Giang, thị trấn Lim, một trong những làng quan họ gốc của huyện Tiên Du”.

Có thể nói đây là một tin mừng với những nghệ nhân bấy lâu nay vẫn miệt mài lưu giữ quan họ truyền thống. Bởi với họ, hát quan họ cổ mà không có nhà chứa thì chẳng khác gì ăn trầu quên vôi, đi câu quên mồi. Nhà nghiên cứu quan họ cổ Lê Danh Khiêm cho biết: “Quan họ có 4 hình thức hát gồm hát chúc hát mừng, hát thờ, hát hội và hát canh, thì hát canh thể hiện rõ nhất trình độ của người hát. Tuy nhiên hát canh mà không có nhà chứa thì không thể gọi là một buổi hát canh đúng nghĩa. Ngày trước khi quan họ còn thịnh, khắp các làng quan họ, đâu đâu cũng có nhà chứa để phục vụ các “bọn quan họ” hát canh. Ở đó các liền anh, liền chị gặp gỡ giao lưu, mời nhau bữa cơm mà các cụ khiêm nhường gọi là “cơm rau dưa”. Canh hát kéo dài từ chiều tới sáng, cứ thắp đèn dầu mà hát, bên nam bên nữ đăng đối nhau, đưa ra lời thách đố vô cùng ý nhị và thâm sâu, cái tài của người hát thể hiện ở các đêm hát canh trong nhà chứa, người ta quý trọng nhau, khâm phục nhau cũng là từ các canh hát như vậy”.

Nhà chứa quan họ còn là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa quan họ, giao lưu, truyền dạy quan họ, giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân ca quan họ Bắc Ninh. Nghệ nhân quan họ Nguyễn Thị Sang ở làng Diềm cho biết: “Chúng tôi được các cụ kể lại, ngày trước ở làng Diềm có từ 15-20 nhà chứa, người chơi quan họ thì đông lắm mà chẳng bao giờ hết người cả vì tre già để chỗ cho măng, bao giờ các cụ cũng phải truyền lại cho đàn em, đàn cháu, các thế hệ phía sau mình nên câu hát không bao giờ đứt đoạn. Gọi là “nhà chứa quan họ” bởi những người say mê quan họ, ban ngày phải đi làm bận rộn với những công việc như cày cấy, trồng mía, kéo mật, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, tối đến mới rảnh rỗi tập trung ở nhà chứa để học hát. Có nhà chứa quan họ của nam riêng, nữ riêng. Nhà chứa ngoài chỗ sinh hoạt thì còn là nơi dạy học cho các thế hệ tiếp sau”.

Giữ cái lễ nghĩa

Nhà nghiên cứu Lê Danh Khiêm kể lại: Tôi từng được cố nghệ nhân Nguyễn Thị Các ở làng Diềm kể lại cho nghe về quan họ thời xưa, các cụ đã đi chơi là đi cả bọn. Nhưng cũng có khi ngày hội làng bạn đến rồi mà bọn mình lại có người ốm, thì dù còn 3 – 4 người cũng phải đi để giữ bạn. Chữ “giữ bạn” cụ nói thật nôm na, nhưng chính là bao hàm cả việc giữ trọn chữ lễ và chữ nghĩa. Lễ nghĩa quan họ biểu hiện cả lúc ca, lúc giao tiếp, lúc ăn. Nói năng quan họ phải tinh tế, trang nhã, dùng hình tượng, không bao giờ được nói thẳng vào sự việc. Có lần trong hát canh, đôi liền anh ra câu khó quá, cụ Các thay mặt cho đôi liền chị nói khéo: "Dạ, ở nhà chúng em mới ra đây còn chưa biết chợ xa, chợ gần thế nào. Thôi thì quan họ biết thì quan họ đi chợ xa, chúng em không biết thì chúng em đi chợ gần ạ!".

Lễ nghĩa của người quan họ thấm nhuần trong từng động tác, cử chỉ giao tiếp. Cụ Các kể khi bạn quan họ đã vào nhà chứa rồi, ngồi yên vị rồi, bấy giờ đại diện bên chủ mới mời nước, mời giầu. Người mời phải bưng khay đứng cách khách một bước chân, không được vươn người qua người ngồi ngoài để mời người ngồi trong. Ông Khiêm cho biết: “Với các cụ, hát quan họ không khó mà khó nhất là phải giữ được cái lễ nghĩa của người quan họ. Vì vậy việc phục dựng nhà chứa là vô cùng quan trọng, không có nhà chứa, người ta không có môi trường, thiết chế văn hóa để trau dồi cái lễ nghĩa của người quan họ”.

Hiện nay, trên khắp cả đất quan họ cổ, chỉ có duy nhất một ngôi nhà chứa còn được lưu giữ là nhà chứa của cụ Ngô Thị Khu ở làng Diềm. Như vậy cùng với hai ngôi nhà chứa sẽ được phục dựng trong nay mai, Bắc Ninh sẽ có 3 địa chỉ quan họ đúng chất cổ xưa để chào đón những người say mê muốn tìm hiểu môn nghệ thuật này.

    Sau khi mời bạn vào trong “nhà chứa quan họ”, chủ khách ngồi yên vị ở hai chiếu hoặc hai ghế tràng kỷ, bên chủ ca câu mời nước mời giầu, bên khách đáp câu nhận nước, nhận giầu. Kế đó chủ mời khách xơi “bữa cơm quan họ”. Cơm nước xong xuôi, bắt đầu tổ chức hát canh.