Dân Việt

Khó khăn về cung cấp điện khi phụ tải phát triển “nóng”

Nguyễn Phương 13/10/2014 05:14 GMT+7
Nhiều năm nay, EVN đã phân bổ nguồn kinh phí hợp lý dành cho các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ và thực hiện các chương trình sử dụng điện an toàn, tiết kiệm điện và hiệu quả, với tổng giá trị thực hiện giai đoạn 2011 - 2014 là 450 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn còn khó khăn, thách thức.

Cụ thể, nhận thức của một số bộ phận người dân và doanh nghiệp về chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn hạn chế.

Phụ tải của một số ngành, lĩnh vực tăng đột biến, như khu vực nuôi tôm; trồng thanh long và đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xi măng, sắt thép, hóa chất… Ngành điện đã và đang gặp những khó khăn khi phải đảm bảo cung cấp đủ điện, phục vụ cho sự phát triển các phụ tải này, trong khi đó việc phát triển các nhà máy sản xuất, khu vực nuôi trồng… gần như không ngừng, vượt cả quy hoạch phát triển ngành.

Nhiều năm qua, người dân ồ ạt trồng cây thanh long tự phát, tràn lan, không theo quy hoạch, tốc độ phát triển tăng cao 70 - 80%/năm, như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu… Việc “phát triển nóng” cây thanh long dẫn tới tình trạng thiếu điện chong đèn thanh long ra hoa trái vụ xảy ra thường xuyên. Trong những năm qua, dù ngành điện đã cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các phụ tải tăng trưởng “nóng” này.

Tương tự, phong trào nuôi tôm nước lợ tự phát nhanh, ngoài quy hoạch tại các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL gần đây dẫn tới nhu cầu sử dụng điện để chạy quạt phục vụ nuôi tôm tăng cao. Tại một số tỉnh, nhu cầu điện cho nuôi tôm công nghiệp tăng đột biến (tăng hơn 30% so với năm 2013 và cao hơn trong năm 2014).

Nhiều hộ dân đã tự ý sử dụng điện sinh hoạt để chạy quạt phục vụ nuôi tôm nên xảy ra tình trạng quá tải cục bộ dẫn tới nhiều trường hợp trạm biến áp công cộng quá tải, cháy, nổ, gây mất điện liên tục.

Phát triển của 2 ngành xi măng và thép cũng vượt quy hoạch, cung vượt quá cầu. Đa số các doanh nghiệp sản xuất thép và xi măng ở nước ta có quy mô công suất nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, hầu hết là nhập khẩu từ Trung Quốc, không thân thiện với môi trường… dẫn tới cường độ tiêu thụ điện bình quân để sản xuất ra 1 tấn sản phẩm cao hơn so với các nước trên thế giới (17% cao hơn đối với sản xuất xi măng và 57% cao hơn đối với sản xuất thép). Công tác quản lý thị trường các loại hàng hóa, thiết bị có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng còn hạn chế, dẫn tới có nhiều mặt hàng có chất lượng kém, hàng giả, hàng nhái (đèn compact, đèn LED, quạt điện, điều hòa, thiết bị tiết kiệm điện…) làm người sử dụng gặp không ít khó khăn khi lựa chọn tiết bị tiết kiệm năng lượng. Giá điện vẫn còn thấp, chưa tiệm cận với giá thị trường dẫn tới không khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm. EVN cho rằng nếu không sớm có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt thì việc tiết kiệm điện sẽ vẫn khó đạt được.