Dân Việt

Công tác bầu cử đang ngày càng dân chủ

04/05/2011 13:52 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm qua (3.5) toàn bộ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII bắt đầu đợt vận động bầu cử theo đúng luật định với thời hạn kéo dài 18 ngày.

Nhân dịp này, NTNN đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Nhận xét của ông về việc hội đồng bầu cử phân bổ danh sách ứng cử viên về các khu vực bầu cử năm nay đã thể hiện sự dân chủ như thế nào?

img
Ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

- Với người ứng cử đại biểu Quốc hội, tôi được biết, trước khi phân bổ Hội đồng bầu cử đã gửi cho mỗi người ứng cử (ở trung ương) một phiếu đăng ký ở 3 vùng miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Mỗi người ứng cử đều phải đăng ký về một trong các tỉnh thuộc mỗi vùng kể trên.

Sau khi bộ phận thường trực của Hội đồng bầu cử tập hợp tất cả các đăng ký của những người ứng cử thì giúp Hội đồng bầu cử lên danh sách dự kiến phân bổ những người ứng cử về các đơn vị bầu cử.

Sau khi dự kiến danh sách phân bổ, bộ phận thường trực sẽ gửi xin ý kiến tất cả các thành viên của Hội đồng bầu cử. Trên cơ sở đó, Hội đồng bầu cử sẽ ra quyết định phân bổ người ứng cử về các đơn vị bầu cử ở địa phương. Theo tôi cách làm như vậy đã thể hiện sự dân chủ của Hội đồng bầu cử.

Năm nay ngoài các hình thức vận động thông thường, các ứng cử viên được sử dụng các hình thức vận động nào khác?

- Ngoài 3 hình thức vận động bầu cử là tiếp xúc cử tri qua các hội nghị cử tri do Mặt trận Tổ quốc tổ chức, trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng và tiếp xúc cử tri nơi người ứng cử công tác thì trong cuộc bầu cử này luật pháp chưa có quy định thêm các hình thức vận động bầu cử khác.

Là đại biểu Quốc hội khóa XII, ông có kinh nghiệm gì trong việc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Đâu là điều cử tri mong đợi ở ứng cử viên?

- Theo tôi, người ứng cử trước hết phải tìm hiểu kỹ về địa phương nơi mình ứng cử, cả về lịch sử, địa lý, dân cư, truyền thống văn hóa và sự phát triển về kinh tế, xã hội của địa phương. Tiếp đó, cần đọc và hiểu những vấn đề cơ bản về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội được quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan.

Đó là những vấn đề cần thiết nhất để xây dựng chương trình hành động của người ứng cử. Và cuối cùng, chỉ nên hứa trước cử tri những gì mà mình thấy có thể góp phần được với Quốc hội theo nghề nghiệp, vị trí công tác mà mình đang đảm nhiệm.

Xin cảm ơn ông!