Dân Việt

Chuyện bà giáo 82 tuổi và lớp học độc nhất vô nhị giữa Thủ đô

Trần Thụ (Dòng đời) 20/10/2014 07:00 GMT+7
Trong cái sự học, từ cấp 1 cho đến “cấp 4” (đại học), cùng lắm người ta cũng chỉ  “mài đũng quần” cỡ 17 năm rồi cũng xong. Vậy mà ở giữa Thủ đô Hà Nội, có 1 lớp học đã kéo dài 15 năm, nhưng mới lác đác vài em “tốt nghiệp”. Số còn lại hàng tuần vẫn miệt mài “đánh vật với con chữ” cùng bà  giáo ở cái tuổi bát tuần có dư.

Chúng tôi  tìm đến Trường Tiểu học An Dương, nơi có lớp học đặc biệt của bà giáo già Hồ Hương Nam, người vừa được vinh dự đón nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú 2014. Mấy ông bảo vệ sau một hồi lục vấn còn bắt tôi phải có giấy giới thiệu của cơ quan mới được tiếp xúc với cô trò của lớp học đặc biệt này. 

Bà giáo già và bầy trẻ dại

Đang định dắt xe về thì mấy chị cấp dưỡng của trường nhanh miệng: Lớp học thì vừa tan, nhưng bà Nam vẫn còn ở lại đấy, chú qua mà gặp ngay đi… Nằm ở dãy cuối của Trường Tiểu học An Dương, lớp học của bà giáo già Hồ Nam Hương rộng chừng 30m2, được bài trí đơn giản, trên tường dán đầy những hình ảnh chim muông, thú vật… khiến người mới vào lần đầu có cảm giác đây là lớp mầm non. Mặc dù đã tan học chừng 20 phút nhưng vẫn còn vài học sinh ở lại, bà giáo Nam vừa ân cần cầm tay tô lại mấy con chữ cho em Đặng Đức Thắng, một học trò mới vào lớp được một thời gian ngắn chưa quen với con số, con chữ… Đã bước sang tuổi 82, nhưng bà Nam vẫn rất nhanh nhẹn. Dáng người nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng của xứ Huế khiến tôi mặc dù mới gặp lần đầu nhưng đã rất ấn tượng và có cảm tình với ba giáo già… 

img Bà giáo Hồ Hương Nam sau giờ tan lớp. (Ảnh: Trần Thụ)

Suốt 15 năm qua, lớp học này quy tụ hơn chục học sinh ở nhiều độ tuổi và mắc nhiều căn bệnh mà ít có cơ sở giáo dục nào muốn tiếp nhận như khiếm thính, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, liệt nửa người… Đều đặn 1 tuần 6 buổi, bà Nam đến với lớp học của mình, góp nhặt yêu thương, giúp các em có thêm niềm tin vào cuộc sống. Không toan tính thiệt hơn, không một đồng học phí, không có người “trợ thủ” và nhiều thứ không khác… Nhiều người bảo bà nên nghỉ ngơi vui vầy với con cháu, nhưng bà Nam vẫn miệt mài đem con chữ gieo vào những tâm hồn ngây ngô khờ dại… 

 

Trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014, ngoài bà giáo Hồ Hương Nam còn có nhiều gương mặt bình dị khác như anh Dương Tuấn Anh - người lái xe buýt hay ông Phùng Mạnh Thực - người nông dân hiến đất làm đường giao thông ở Quốc Oai...

Bao nhiêu học trò, bấy nhiêu giáo án

Căn nhà của bà giáo già rộng chừng 50m2, được bài trí rất đơn giản sạch sẽ, ở giữa kê bộ bàn ghế đã cũ làm bàn tiếp khách… Bà Nam sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em ruột, cha mẹ bà đều làm ngành y. Ông cụ thân sinh ra bà Nam rất muốn con gái nối nghiệp mình nhưng thế thời không chiều theo ý muốn của con người. Năm 1954 khi đang là nữ sinh trường Đồng Khánh (TP.Huế), bà tình nguyện lên tàu ra Bắc tập kết. Sau khi tập kết ra Bắc, vì có trình độ nên bà được cấp trên điều động về làm giáo viên ở Quảng Bình. Tại đây bà đã kết duyên với ông Trần Đình Trịnh cũng là đồng nghiệp. 

Năm 1955 hai vợ bà chồng chuyển ra Hà Nội dạy học. Trải qua 25 năm gắn bó với nghề dạy học, năm 1979 bà Nam về hưu và trở thành cán bộ tuyên truyền dân số của phường An Dương. Do đặc thù công việc mới, bà đã gặp được nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các em tật nguyền, chưa một ngày được bước chân tới lớp. 

Cảm thông sâu sắc với những số phận éo le, còn chút sức khỏe, bà đã chủ động “năn nỉ” phụ huynh của 2 học sinh cho bà được dạy thử nghiệm. Ban đầu vì không có địa điểm nên bà mượn tạm trụ sở dân phòng của UBND phường làm lớp học. Không bàn ghế, không bảng đen, mỗi buổi sáng 2 đứa trẻ tật nguyền ôm theo chiếc ghế nhỏ, lớp học 2 trò 1 cô bắt đầy từ đấy. 

Kiên tâm với lựa chọn của mình, giống như mưa dầm mãi cũng phải thấm, từ chỗ chỉ có 2 em theo học, tiếng thơm bay xa, dần dà có tới hàng chục phụ huynh ở nhiều địa phương quanh đó như Từ Liêm, Thạch Thất cũng đem con đến nhờ bà giáo già dạy dỗ. Khi con số học sinh đã lên đến hơn chục em, chính quyền địa phương cho bà mượn 1 phòng của Trường Tiểu học An Dương. Thế là bà cháu có 1 lớp học theo đúng nghĩa. 

Trò chuyện cùng tôi bà Nam bộc bạch: Nếu không có tâm thì không thể làm được công việc này, bởi dạy trẻ con bình thường đã khó, dạy các em tật nguyền khó gấp bội phần. Nhiều em đến lớp không tự lo được khâu vệ sinh cá nhân nên bà vừa dạy chữ vừa kiêm thêm chân… bảo mẫu. Cả tháng trời có khi các cháu chưa thuộc được vài con chữ. Học trò thì đủ thành phần, đủ thứ bệnh, vì vậy lớp học có bao nhiêu học trò thì phải có bấy nhiêu “giáo án”. Không thể áp dụng cách dạy cho đứa bị thiểu năng trí tuệ (bệnh đao) với đứa bị câm điếc bẩm sinh. Cách dạy phải hết sức kiên trì, dỗ dành ngon ngọt, động viên các cháu còn hơn bố mẹ chúng. Những ngày đầu còn bỡ ngỡ, lâu dần các cháu đều có tiến bộ, đa phần các em đã biết đọc biết viết và tỏ ra rất quyến luyến với lớp học, với bà giáo già mà chúng coi như cha, như mẹ mình.

“Người ta bảo cô giáo ở trường cũng như mẹ ở nhà cho nên tôi phải làm thế nào để các em thấy mình giống như một người bà, người mẹ. Dạy ở lớp học này phải dành tình thương của mình  để “níu” các cháu, tạo cho chúng có động lực học tập. Khi các cháu cảm nhận được mình thương nó thì chúng sẽ học tốt lên. Học sinh bình thường thì đáng lẽ chỉ nói 5,  nhưng trên bục giảng cho trẻ khuyết tật thì phải nói tới 50 vì nhiều cháu không nghe được”- bà Nam nhớ lại.

Học trò của bà Nam mỗi đứa có một hoàn cảnh riêng nhưng giống nhau ở 1 điểm là đều… éo le và khổ cực.  Em Đỗ Kim Thúy, 22 tuổi, sau 15 năm theo học tại lớp tình thương này đã đạt đến trình độ lớp 4. Từ chỗ mẹ thì mất sớm, không có điều kiện đi học, cô bé Thúy (bị bại liệt nửa người) ngày nào giờ đi chợ đã biết tính toán tiền, biết đọc chữ khi xem ti vi… Cuộc sống của Thúy bây giờ không phải gắn với xe lăn nữa. 

Anh Đặng Quang Thụ (phường Xuân Phương, quận Bắc Từ Liêm), bố của cháu Đặng Đức Thắng – chia sẻ: Cháu nhà tôi sinh ra không được lành lặn như những đứa trẻ đồng trang lứa, sức khỏe của cháu tuy bình tường nhưng ngây ngô không hiểu biết gì. Nghe tiếng lớp học của bà giáo Nam, tôi đã gửi cháu xuống học được 3 năm. Từ chỗ là một đứa trẻ ngây ngô nhút nhát, bây giờ cháu đã biết đánh vần và đọc được những từ đơn giản. 

 Người ta bảo cô giáo ở trường cũng như mẹ ở nhà cho nên tôi phải làm thế nào để các em thấy mình giống như một người bà, người mẹ. Dạy ở lớp học này phải dành tình thương của mình  để “níu” các cháu, tạo cho chúng có động lực học tập...” - Bà Hồ Hương Nam

“Bà ơi, bà có chết không?”

Bà Nam kể: “Một lần đi tập thể dục buổi sáng, không may bà bị tai nạn gẫy tay. 10 ngày dưỡng bệnh tại nhà, trong đám học trò đến thăm có đứa ngây ngô hỏi: Bà ơi bà có chết không? Câu hỏi này khiến tôi vô cùng cảm động, nó như một liều giảm đau nên ngay hôm sau dù chưa khỏi bệnh tôi vẫn tiếp tục ra lớp”. 

Một lần khác, nhân ngày Nhà giáo VN 20.11, đám học trò chẳng hiểu là ngày gì nhưng mỗi đứa cũng mua một bông hồng đến và nói: Chúng cháu tặng nhân ngày của bà!...  Sau khi chuyện của tôi được báo chí đưa tin, hôm nọ đang trên lớp thì có một nhà sư cùng đệ tử xuất hiện. 

Nhà sư đó nhìn thấy tôi, mắt rơm rớm nói: Em là học trò cũ của cô, xem ti vi thấy cô vẫn khỏe mạnh và đang làm 1 việc rất có ý nghĩa với xã hội nên thầy trò em tìm đến thăm. Cô trò lâu ngày gặp mặt, nghẹn ngào xúc động có lúc không nói thành lời.

Trời đã về chiều, biết bà còn có việc nên tôi đành cáo từ dù không muốn dứt câu chuyện với bà. Tiễn tôi ra cửa bà Nam chỉ nói nhỏ nhẹ: Ở tuổi 82 nhìn lại những việc đã làm tôi cảm thấy rùng mình. Nếu không có sự động viên của các con thì chưa chắc tôi đã trụ được tới giờ. Nếu giờ mới bắt đầu thì tôi e mình không đủ sức để làm! 

Chia tay bà giáo, tôi chợt nghĩ: Mai đây khi bà Nam không còn đủ sức để đứng lớp, liệu ai là người có được cái tâm và sự kiên nhẫn để thay bà duy trì lớp học độc nhất vô nhị này? Câu trả lời chắc chẳng hề dễ dàng.