Đây là tác phẩm đầu tiên của anh được chuyển dựng thành một bộ phim nhựa, chắc chắn anh có nhiều cảm xúc?
- Trước đây, tôi đã từng được đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh cùng một hãng phim nổi tiếng ở TP.HCM mời nói chuyện về việc họ có dự định làm phim về truyện ngắn “Vàng xưa”, nhưng do chưa có duyên nên việc ấy không thành. Tiểu thuyết “Quyên” khi được mua bản quyền với giá khá cao tôi đã mừng, nay biết tin nó bắt đầu khởi quay thành phim, thú thực tôi lặng người, suýt nữa khóc. Bởi tôi viết rất khó nhọc mới ra “Quyên”, nhưng để làm một bộ phim người ta không chỉ cần tình yêu không, mà phải có tiền. BHD là một công ty lớn nhưng không phải tiền vô hạn, nhất là quay “Quyên” sẽ rất tốn kém. Suốt 5 năm chờ đợi bởi nhiều khó khăn lắm, bây giờ “Quyên” đã bấm máy. Văn học có bạn đọc của nó nhưng nếu nó thành phim, nó sẽ có thêm triệu triệu khán giả. Làm sao mà không mừng được?
Anh có hài lòng với êkip làm phim không, đặc biệt đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình và nữ diễn viên chính Vũ Ngọc Anh?
- Trong 5 năm qua, tôi và đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã dăm lần gặp nhau để bàn về phim này, lúc thì ở Việt Nam khi thì sang tận Đức. Có lần rất khó khăn, cả tôi và mẹ anh Bình, bạn tôi và dịch giả Phan Thanh Hảo phải bay vào tận TP.HCM khi tôi đang ốm để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tiến tới việc dựng phim. Tôi thấy cả hai vợ chồng đạo diễn trẻ này trước hết rất hiểu “Quyên” ở dạng văn học, sau là thấy đặc biệt ở Bình- tuy là một đạo diễn trẻ nhưng đã trăn trở rất nhiều để tiến tới việc bấm máy. Một đạo diễn từng thành công dăm phim rồi, lại lao tâm khổ tứ và yêu tác phẩm của tôi nên tôi rất cảm phục, tin cậy trao cho anh, bởi từ tôi mà suy ra muốn viết hay cái gì thì phải yêu điều mình định làm.
Nghệ thuật muốn thành công điểm khởi đầu cần nhiều tình yêu như yêu một cô gái đẹp tên Quyên. Điều ấy Bình đã có. Dàn diễn viên thì tôi không am tường lắm để nói tin hay không tin. Nhưng tôi hài lòng với việc Bình chọn diễn viên đóng Quyên, khuôn mặt cô ấy khá “Quyên” rồi thêm một cái răng khểnh rất duyên nữa (cười).
Anh hình dung nhân vật Quyên của mình trên màn ảnh thế nào? Anh từng lên facebook hỏi ý kiến mọi người về việc chọn nữ diễn viên nào vào vai Quyên, khi đạo diễn chọn diễn viên anh có được hỏi ý kiến không?
- Bây giờ khó cụ thể nhìn nhận để tưởng ra Quyên sẽ ra sao trên màn ảnh. Nếu tôi là đạo diễn thì điều này dễ nói hơn. Nhưng quá trình làm việc với đạo diễn chúng tôi đều có những sự trao đổi rất tỉ mỉ về hình tượng Quyên. Do vậy khá nhiều diễn viên được cân nhắc và mỗi khi cân nhắc Bình có trao đổi với tôi. Theo tôi đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình tuy trẻ hơn tôi rất nhiều tuổi nhưng biết cách làm việc với tác giả văn học. Anh ấy rất tôn trọng tôi.
Kịch bản phim do anh chuyển thể hay ai làm công việc đó?
- Nhà văn Ngụy Ngữ chuyển thể, quá trình viết có lần tôi đã phải bay vào tận TP.HCM để nói chuyện với nhà văn Ngụy Ngữ. Chúng tôi rất nhanh chóng tiến tới những thoả thuận bởi tôi hiểu văn học có ngôn ngữ của nó và điện ảnh có ngôn ngữ của nó. Nhà văn không nên khăng khăng bắt nhà điện ảnh phải tuân theo trật tự của ngôn ngữ văn học. Chính điều ấy sẽ giết chết hay làm cho điện ảnh kém linh động hơn với ngôn ngữ của riêng nó. Tôi xác định, tác giả văn học chỉ nên tham gia một phần nào đó cho phim thôi, còn dành quyền cho sự sáng tạo của các nhà điện ảnh.
Anh có điều gì muốn nhắn gửi với đoàn làm phim để họ giữ được tinh thần cuốn tiểu thuyết?
- Tôi mong muốn các diễn viên đóng “Quyên” nên đọc tiểu thuyết Quyên kỹ , được 2 lần thì rất tốt. Riêng diễn viên người Mỹ, chắc anh ta chỉ có thể đọc phần kịch bản của anh ấy phụ trách diễn xuất, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình nên nói thêm cho anh ấy hiểu vì sao chúng tôi phải đi bán sức lao động và vài nét về việc gửi tiền hay hàng về Việt Nam hồi đó thế nào.
Từ khi “Quyên” được giới thiệu trên báo NTNN và xuất bản, đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam đến nay đã 6 năm, chắc hẳn anh đã có nhiều câu chuyện cảm động về tiểu thuyết này để kể cho bạn đọc?
- Cho tới nay tôi không biết tiểu thuyết “Quyên” được bán bao nhiêu cuốn, chỉ biết chính thức nó được tái bản 4 lần. Hơn một vạn cuốn đã bán ra trong năm đầu. Nhưng đi tới đâu ở Đức tôi cũng được nhiều người nhận ra là tác giả của Quyên. Rất nhiều người nói với tôi rằng, tôi có một hình ảnh ở tiểu thuyết của anh- tôi rất xúc động nghe họ nói thế!
Mùa đông năm ngoái tôi đi qua chợ Ostbahnhof ở Berlin với cô bạn, anh chị em ở chợ tíu tít gọi: Nhà văn vào uống cà phê với chúng em! Hôm đó trời rất lạnh, tuyết băng mù mịt. Tôi rưng rưng muốn oà khóc, vì có như thế nào anh em lao động mới thân tình tới thế. Lại có chị ở xa hơn 400km tới tận nhà, chỉ để xin chữ ký vào cuốn sách cha mẹ chị gửi từ Hà Nội, rồi òa khóc: “Anh ơi, đời em như Quyên ấy...”. Văn chương, chứ không phải tài liệu chính trị làm cho con người ta chia sẻ cảm thông nhiều hơn là thù hận. Chính nhờ văn học mà tôi được mời tới nói chuyện ở Muenchen, nơi có rất nhiều xu hướng chính trị khác biệt. Văn học đã làm cho những người Việt xích lại gần nhau. Tây và Đông, thuyền nhân hay người đi lao động từ phía Bắc không phân biệt nữa!
Xin cảm ơn anh!