Dồn lực cho vùng khó khăn
Huyện miền núi Văn Chấn có tới 18 dân tộc anh em sinh sống, trải dài trên một vùng đất rộng với 2 địa hình khác biệt: Vùng thấp với cánh đồng Mường Lò rộng thứ 2 của Tây Bắc và vùng cao với những địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt như: Tú Lệ, Nậm Mười, Phù Nham, Sơn A…
Hiện 16/31 đơn vị hành chính cấp xã của huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhưng lại không được nằm trong diện được hưởng chính sách 30a của Chính phủ, nên mức đầu tư hàng năm cũng bị hạn chế. “Trước thực trạng đó, huyện đã tập trung kinh phí đầu tư cho tam nông; lồng ghép các chương trình, dự án kinh tế-xã hội được hơn 70 tỷ đồng; thêm các nguồn vốn của T.Ư, địa phương, huy động doanh nghiệp và sức dân được hơn 10 tỷ nữa, tất cả đầu tư vào nông dân, nông nghiệp, nông thôn” – ông Vù Văn Đông cho biết.
Một trong những mũi nhọn đầu tư mà Văn Chấn lựa chọn chính là giao thông và thủy lợi. Ông Phạm Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh cho biết: Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, xã đã tập trung bê tông hóa, mở mới nhiều tuyến đường vào các bản khó khăn, khu vực sản xuất, tạo điều kiện xóa nghèo trong nông dân, nông nghiệp như đường lên làng Ca, Khe Chất hơn 5,1km; đường Ba Khe 1, Đồng Đắc gần 2km; đường Khe Dịa, Khe Nước, Ba Khe 2... Bên cạnh đó là đầu tư cứng hóa các tuyến mương để chủ động nguồn nước cho sản xuất như: Mương Ba Khe 2, Pin Pé, Khe Rịa 2....
Các xã khác trong huyện cũng đầu tư mạnh cho 2 lĩnh vực giao thông, thủy lợi, tạo thành phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới rất rầm rộ và hiệu quả. “Dân chúng tôi tuy nghèo nhưng hầu hết đều sẵn sàng hiến ngày công để tham gia làm đường, làm kênh mương. Nhiều hộ còn đóng góp tiền, vật liệu xây dựng với mong muốn đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả của các công trình…”- ông Phạm Văn Tiến cho hay.
Đi nương bằng xe máy
Lão nông Lò Văn Hay ở thôn Suối Quẻ, xã Phù Nham, tâm sự: Mấy chục năm làm nông dân, sống gần hết một đời người, thấy nông thôn bây giờ thay đổi nhiều quá. Ra ruộng, lên nương là thấy máy cày, máy cắt cỏ, máy tuốt lúa, tẽ ngô; về nhà có điện thắp sáng, nước sạch để sinh hoạt, tivi để xem. Dân bản bây giờ đi ruộng, đi nương vẫn mặc quần áo đẹp, đi xe máy bởi đường sá giờ đã rộng, đã cứng hóa cả rồi. Nhiều thửa ruộng trước đây chỉ cấy được 1 vụ có khi vẫn mất mùa, giờ cấy cả 2 vụ, nhiều hộ còn làm thêm vụ 3. “Vì thế dân đỡ đói nghèo hơn, nhiều hộ đã tạo được cơ hội làm giàu nhờ phát triển chăn nuôi gia súc, làm dịch vụ nông nghiệp. Dân trong thôn hiện đang thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình điểm đồng bào dân tộc Thái lưu giữ và phát triển kiến thức môi trường bản địa canh tác bền vững trên ruộng bậc thang” - ông Hay nói. Với dự án này, thôn Suối Quẻ không chỉ hết nghèo mà còn sạch và đẹp nữa.
Theo ông Chánh Văn phòng UBND huyện Văn Chấn thì năm nay thu nhập bình quân đầu người của huyện đã đạt 16,1 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 30,79%. Với những chương trình, dự án đã và tiếp tục đầu tư, và với sự đồng lòng của người dân, tin rằng Văn Chấn sẽ có bước chuyển mình nhanh chóng trong lĩnh vực tam nông.