Làm “chuyên gia” trồng lúa ở Lào
Qua nhiều kênh thông tin, Công ty Bảo Ngọc (Bình Phước) biết người dân huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) đã tổ chức xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) khá hiệu quả, trong khi đó công ty cũng đang phối hợp với Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Champasack triển khai mô hình làm lúa sạch bằng công nghệ sinh học theo CĐML trong khuôn khổ “Dự án Khuyến khích sản xuất nông lâm sản”, nên người của công ty đã tìm đến các hộ dân ở Tam Bình để nhờ sang nước bạn làm lúa.
Ông Nguyễn Văn Trọng – Bí thư Chi bộ ấp 9 (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) - người có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất lúa theo CĐML cho biết: “Trồng lúa sạch có nghĩa là không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và thay vào đó là phân bón, thuốc trừ sâu sinh học. Nhờ có nhiều kinh nghiệm làm CĐML ở địa phương, tham gia nhiều lớp tập huấn về sản xuất lúa chất lượng cao do Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long, Trường ĐH Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL… tổ chức nên khi có đề nghị của đại diện Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Champasack và Công ty Bảo Ngọc, tôi đồng ý liền”.
Cũng theo ông Trọng, để hoàn thành nhiệm vụ này, ông và một số người khác đã rủ thêm nhiều nông dân có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất lúa cùng đi. Vì vậy, trong chuyến đi này có tổng cộng 22 nông dân, trong đó có 18 người ở huyện Tam Bình, 3 người ở tỉnh Đồng Tháp.
Sang đến Champasack, họ được giao 700ha đất đã được quy hoạch để làm CĐML. Bước đầu, 22 nông dân thực hiện sản xuất lúa sạch trên diện tích 100ha với 2 giống lúa là Thảo Dược và Hồng Ngọc (đây là 2 loại lúa hạt tròn, có thời gian sinh trưởng từ 90 - 100 ngày, được đưa từ tỉnh Nghệ An sang).
Theo những nông dân sang Champasack làm lúa, đất đai ở tỉnh này cặp theo đồi núi, nhiều gò cao giống như miền Trung nước ta nên nền đất cứng, có nhiều sỏi, cỏ mọc um tùm, thậm chí nhiều diện tích bị bỏ hoang, thời tiết cũng có phần nóng hơn ở nước ta. Vào mùa mưa không phải bơm nước, nhưng mùa khô phải dùng máy bơm cũng khá vất vả. Dù vậy, những “chuyên gia” trồng lúa miền Tây với kinh nghiệm dày dặn vẫn nhanh chóng bắt tay vào sản xuất, và chỉ trong thời gian ngắn đã phủ xanh những thửa ruộng khô cằn trên đất bạn Lào...
Sản phẩm sẽ xuất khẩu sang Hà Lan
Ông Trần Văn Thiều, ngụ ở ấp Mỹ Phú (xã Mỹ Lộc) - một trong 22 nông dân sang tỉnh Champasack trồng lúa sạch cho biết: “Nhiệm vụ của tôi là trục, làm đất nên sau khi sạ lúa xong, tôi đã về nước. Vài ngày tới, tôi sẽ qua bên đó làm tiếp các công việc khác. Do nhu cầu công việc nhiều, diện tích lúa sẽ được mở rộng trong vụ tới nên lần này tôi sẽ dẫn thêm vài nông dân đi nữa”.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Trọng, nông dân ở tỉnh Champasack chưa mấy mặn mà với cây lúa, vì thế việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cũng chưa được đẩy mạnh, khiến năng suất lúa chỉ đạt bình quân 2 tấn/ha. “Hiện nay, diện tích lúa trong CĐML do chúng tôi thực hiện đã được gần 30 ngày tuổi, đang phát triển rất tốt, ước năng suất có thể đạt trên 4 tấn/ha” – ông Trọng nói.
Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Champasack cũng cho biết, dự án sản xuất lúa sạch theo CĐML được thực hiện nhằm giúp nông dân Lào có cơ hội trao đổi kinh nghiệm với nông dân Việt Nam trong việc áp dụng các kỹ thuật hiện đại trong quá trình sản xuất lúa, làm quen với việc hạn chế tối đa hoặc không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, từ đó làm ra những hạt gạo đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những “chuyên gia” nông dân miền Tây khi sang Lào trồng lúa được trả công 6 triệu đồng/người/tháng. Khi lúa được thu hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh Champasack sẽ tổ chức hội thảo đầu bờ để nông dân Lào trực tiếp tham quan, tận mắt thấy những kết quả khả quan từ dự án. Được biết, dự án sản xuất lúa sạch này còn có sự theo dõi thường xuyên của phía Hà Lan. Sau khi thu hoạch, toàn bộ sản lượng lúa sẽ được bán cho Hà Lan với giá cao gấp 4 - 5 lần so với giá lúa bình quân ở nước ta.