Ông Hường cho biết: “Quảng Ngãi là một tỉnh có điểm xuất phát thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, hạ tầng nông thôn còn hạn chế... nên việc triển khai Chương trình xây dựng NTM chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tuy vậy, chúng tôi sẽ không nóng vội mà làm chắc”.
Không chạy theo thành tích phong trào
Ông Đào Minh Hường.
Theo ông Hường, trong nhiều năm qua, ưu tiên hàng đầu của tỉnh Quảng Ngãi là tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định, công cuộc xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải vào cuộc quyết liệt, quan điểm chỉ đạo của tỉnh, ngành là thực hiện có hiệu quả từng tiêu chí, chậm nhưng chắc, không nóng vội để xây dựng được những kết quả bền vững hơn.
Vì thế, với trách nhiệm là cơ quan thường trực Chương trình xây dựng NTM, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) Quảng Ngãi đã chỉ đạo, triển khai chương trình khá hiệu quả. Đặc biệt là, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành 21 nội dung quan trọng liên quan đến phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Trong đó, Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp - nông thôn và xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020 và nhiều cơ chế chính sách khác khác. Ngoài ra, Sở đã tham mưu UBND tỉnh thành lập hệ thống quản lý, chỉ đạo Chương trình cấp tỉnh, hướng dẫn thành lập cấp huyện, xã.
Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, Đài phát thanh – truyền hình, các báo địa phương và Trung ương tổ chức thông tin tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, cơ chế chính sách liên quan đến Chương trình; giới thiệu gương điển hình tiên tiến để các địa phương tham khảo, học tập; phối hợp với các Sở, ngành tổ chức các lớp tập huấn về các nội dung triển khai thực hiện Chương trình; tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn việc lập Đề án xây dựng NTM, Đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.
Quảng Ngãi là một trọng những tỉnh có tiềm năng về phát triển kinh tế biển, trong đó đánh bắt thủy sản là một thế mạnh. Ảnh T.L
Công cuộc xây dựng NTM là một quá trình dài, quan điểm chỉ đạo của tỉnh là thực hiện một cách quyết liệt, nhưng chậm mà chắc và không nóng vội. Trong điều kiện của tỉnh Quảng Ngãi hiện vẫn còn nghèo, xuất phát điểm ngành nông nghiệp còn thấp, trong khi toàn tỉnh có tới 6 huyện miền núi và hải đảo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, hạ tầng nông thôn hạn chế...
Lợi thế so sánh để phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM không nhiều, diện tích đất sản xuất chỉ có 120.000 ha, trong đó đất lúa chiếm hơn 39.000ha. Mặc dù đất đai không màu mỡ, nhưng điều kiện khí hậu thuận lợi đã giúp địa phương phát triển tốt các loại cây, con như mía, sắn, ngô, lạc, bò lai..., cho năng xuất và hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, với lợi thế về phát triển kinh tế rừng, tỉnh Quảng Ngãi đã thu hút được nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Quảng Ngãi có bờ biển dài, ngư trường rộng, nên ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản cũng có lợi thế phát triển đáng kể.
Ưu tiên cải thiện đời sống người dân
“Với những điều kiện như vậy, trong nhiều năm qua và đặc biệt từ khi triển khai xây dựng NTM đến nay, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi luôn xác định ưu tiên tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Để làm được điều này, tỉnh luôn chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi tập trung chỉ đạo quyết liệt để phát triển nông nghiệp theo hướng ưu tiên sản xuất hàng hóa, gắn với phát triển loại hình tổ chức sản xuất, nhất là liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, tổ hợp, hợp tác xã để tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại quy mô lớn, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo thêm nguồn lực để Quảng Ngãi xây dựng NTM bền vững” - ông Hường thông tin thêm.
Quảng Ngãi đang đẩy mạnh cơ giới hóa ngành nông nghiệp. Ảnh TL.
Theo quyết định số 238/QĐ-UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”, số xã đạt chuẩn NTM đến năm 2015 là 33 xã/164 xã và đến năm 2020 thực hiện xong các xã còn lại. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai chương trình, kết quả đạt được tuy không lớn nhưng các tiêu chí NTM được nâng lên đáng kể... Tuy nhiên, với điều kiện của tỉnh Quảng Ngãi như hiện nay, và nguồn vốn Trung ương dành đầu tư cho Quảng Ngãi thực hiện chương trình này còn ít, nên việc hoàn thành mục tiêu trên là một thử thách khá lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã và sự vào cuộc, đồng tình hưởng ứng của xã hội và người dân.
Để Chương trình xây dựng NTM của tỉnh theo đúng lộ trình, thời gian qua tỉnh Quảng Ngãi đã đẩy mạnh đầu tư cho ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng đến chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hiện đại hóa, đưa nhiều giống cây trồng, con vật nuôi chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất và chăn nuôi. Đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, đầu tư thủy lợi – thủy lợi hóa đất màu, xây dựng hạ tầng kênh mương nội đồng phục vụ phát triển sản xuất. Nhất là tập trung đầu tư nguồn lực đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp để giảm chi phí, tăng hiệu quả cho người nông dân. Nhờ đó mà ngành nông nghiệp Quảng Ngãi có những chuyển biến rõ nét theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nói về định hướng phát triển trong những năm tới, ông Hường cho rằng, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi phải chuyển dịch mạnh cơ cấu nội bộ ngành theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, tập trung phát triển các ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp ở từng địa bàn dân cư; xây dựng, giới thiệu và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; tiếp tục đầu tư hạ tầng nông nghiệp (giao thông nội đồng, bê tông hóa kênh mương, đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất...) nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xây dựng NTM bền vững.