Còn nhớ sự kiện Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát tổ chức bữa tiệc thịt gà và cùng các thành viên ban chỉ đạo cùng ăn thịt gà mừng Việt Nam cơ bản khống chế được dịch cúm gia cầm năm 2007.
Ở đây không phải là tiệc tùng, mà gửi thông điệp đến cộng đồng rằng hãy tự tin ăn thịt gà vì dịch đã được khống chế. Ăn thịt gà để cứu ngành chăn nuôi gia cầm, bởi vì nếu ai cũng sợ dịch mà bỏ ăn thịt gà thì ngành chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ thịt gà sẽ tiếp tục bị người tiêu dùng quay lưng. Nhưng đó là lo cho cái chung, không tiếp thị cho một sản phẩm nào cụ thể. Đặc biệt là không ra một văn bản hành chính yêu cầu sử dụng sản phẩm, mà chỉ khuyến khích.
Ngược lại với cách làm vì cái chung đó, có một số trường hợp dùng biện pháp hành chính để tiếp thị cho sản phẩm cụ thể của một doanh nghiệp cụ thể. UBND tỉnh Quảng Ninh từng có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện thị, thành phố phải “tăng cường hợp tác” với Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Tháng 9 vừa qua, UBND TP.Hạ Long cũng ra văn bản số 3634/UBND “yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các phường thuộc TP.Hạ Long thực hiện sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản do Techcombank cung cấp” và “báo cáo kết quả trước ngày 15.10.2014”.
Đổi lại với sự nhiệt tình của tỉnh Quảng Ninh, Techcombank cam kết có các chương trình tài trợ cho tỉnh để lập các quy hoạch chiến lược và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Techcombank không cho không, mà có sự trao đổi sòng phẳng. Địa phương thấy món lợi tài trợ, nên đã ban hành các văn bản bất chấp Luật Cạnh tranh. Các ngân hàng khác đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã bị văn bản của UBND tỉnh Quảng Ninh và TP.Hạ Long cắt mất bớt một thị phần kinh doanh rất lớn. Hỏi còn đâu là công bằng?
Cách triển khai bằng biện pháp hành chính, ra văn bản chỉ đạo các đơn vị sử dụng độc quyền dịch vụ của Techcombank là không phù hợp. Công văn chỉ đạo của chính quyền tước đi quyền lựa chọn dịch vụ của hàng ngàn người. Đúng ra, mọi người đều có quyền chọn ngân hàng nào mà họ thấy có lợi nhất trong giao dịch, ví dụ có trạm ATM gần nhà để tiện sử dụng... Có đối tác hỗ trợ thì tất nhiên phải tạo điều kiện tốt cho đối tác kinh doanh. Tuy nhiên, có nhiều cách tuyên truyền thông minh và hiệu quả để cán bộ, người dân tự nguyện, hơn là dùng quyền hạn của chính quyền. Cũng xin nhắc lại một chuyện từng là sự kiện làm kinh ngạc cả nước, Chủ tịch tỉnh Nghệ An ký văn bản “tiếp thị” bia Sài Gòn. Dư luận châm biếm đó là một “công văn lạ”.
Chính quyền khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bình đẳng. Chính quyền không thể vì lợi ích cục bộ, làm tiếp thị cho một doanh nghiệp đối tác bằng biện pháp hành chính áp đặt lên khách hàng.