Dân Việt

Vô lương

Đào Tuấn 15/10/2014 06:31 GMT+7
Nghị trường sáng ngày 29.5.2014. Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Nam khi liên hệ với việc chi ngân sách không hợp lý cho dạy nghề trong chương trình mục tiêu quốc gia đã dẫn chứng có thời điểm nhiều địa phương, huyện nào cũng xây dựng một trung tâm dạy nghề rồi... bỏ không.

“Dường như các bộ ngành, chương trình mục tiêu quốc gia nào cũng “vẽ” ra nhiều dự án, cốt lấy ngân sách mà không chú tâm gì đến chất lượng đào tạo nghề” - ông Lê Nam - đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa từng nói như vậy tại nghị trường ngày 29.5.2014.

Cho đến thời điểm đó, có vô số những tréo ngoe trong công tác dạy nghề, đào tạo việc làm đã được nêu ra. Ấy là chuyện dạy nghề sửa chữa xe máy cho thanh niên một xã mà số xe máy có chưa đếm hết hai bàn tay. Ấy là lối dạy nghề siêu tốc cho đồng bào thiểu số đi lao động nước ngoài khi cả học văn hóa, cả ngoại ngữ, cả đào tạo nghề chỉ trong có… 1 tuần. Ấy là vòng vây chính sách với 170 loại văn bản từ nghị định, thông tư, quyết định. Chỉ còn có một điểm chưa thấy đề cập đến. Đó là chuyện tham nhũng từ chính sách dạy nghề, điều mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận thấy. Và chờ đợi… “con chuột đầu tiên”.

“Con chuột” ấy hôm qua đã xuất hiện ở Thanh Hóa khi tham nhũng kinh hoàng trên sự thất nghiệp của người lao động được công bố. Từ năm 2006 đến hết năm 2012, tỉnh Thanh Hóa đã duyệt chi hơn 22 tỷ đồng cho 220 đơn vị nhằm hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động ở các vùng nông thôn và vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Và thế là đâu cũng tham nhũng. Ai cũng tham nhũng.

Báo cáo láo xin kinh phí. Kê khai ảo lao động. Lập danh sách khống số lượng. Nếu có mở lớp thì cũng chẳng có lớp nào đủ thời gian tối thiểu dạy nghề. Số người học ít thì xít ra nhiều. Và người được đào tạo, chữ thầy trả thầy, thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp chỉ ngay sau khi tốt nghiệp.

Cả 38 đơn vị đào tạo đều thủ đoạn, đều gian dối. Gian dối và vô lương đến mức họ dựng khống hồ sơ, lập bảng lương liên tục 6 tháng, tự ký khống vào phần người nhận, để chứng minh đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Nếu tất cả những điều đó chưa đủ ép phê để những người làm chính sách tỉnh ngủ thì cần phải nói thêm một điều nữa: Trong 22 tỷ đồng tổng chi chính sách, số tiền thất thoát, tham nhũng lên tới 3,6 tỷ đồng. Và có lẽ, trường hợp Thanh Hóa thực sự đã lập một kỷ lục về tham nhũng khi cứ 10 đồng chính sách thì có 1,6 đồng lọt túi tham nhũng.

Vô lương, khi đó là những đồng tiền dựa trên sự đau khổ nghèo khó bất lực và tuyệt vọng của những người dân quê phải kiếm sống bằng cách tha phương cầu thực hay lếch thếch nhếch nhác trong những chợ người thành phố.

Và không có gì đảm bảo là sự vô lương ấy chỉ là cá biệt ở Thanh Hóa khi mà không từ Thanh Hóa, đến lúc có một cuộc kiểm tra toàn diện tổng thể về việc thực hiện chính sách mà đáng lẽ phải rất nhân văn này.