Các thuyền viên này do Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động, Thương mại và Du lịch (TTLC) phái cử, đi làm việc theo hợp đồng trên tàu Liên Toàn Thịnh của chủ tàu Đài Loan (Trung Quốc).
Tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. (Nguồn: wikipedia.org).
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết theo báo cáo của công ty TTLC, các thuyền viên này nhập tàu tại cảng Cao Hùng (Đài Loan) và hoạt động tại vùng biển Bắc Hải trong thời gian qua. Khi tàu vào tránh bão Vongfong, 6 trong tổng số 7 thuyền viên Việt Nam đã nhảy khỏi tàu vào hồi 20 giờ 50 ngày 11.10.
Ngay khi phát hiện có thuyền viên Việt Nam nhảy khỏi tàu, thuyền trưởng đã lập tức tri hô và báo cáo với cảnh sát biển Nhật Bản. Sau 72 giờ áp dụng các biện pháp tìm kiếm bằng trực thăng nhưng không thấy tung tích các thuyền viên nên phía Nhật Bản đã dừng công tác tìm kiếm vào tối 14.10.
Công ty TTLC đã liên lạc với một thuyền viên Việt Nam còn lại trên tàu được biết điều kiện công việc và sinh hoạt trên tàu đều rất tốt, trước khi quyết định nhảy xuống biển các thuyền viên có bàn nhau nhưng thuyền viên này không tham gia.
Sáng nay, tàu đã hoàn tất các thủ tục và rời cảng, một thuyền viên Việt Nam vẫn tiếp tục ở lại tàu làm việc bình thường. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu công ty TTLC vẫn tiếp tục giữ liên lạc với công ty môi giới và chủ tàu để cập nhập thêm tình hình.
Danh sách 6 thuyền viên gồm: Nguyễn Tiến Tĩnh (sinh năm 1991); Phạm Lương Khánh (sinh năm 1994), Trần Đình Diệm (sinh năm 1995), Thiều Sinh Song (sinh năm 1996), Nguyễn Văn Tứ (sinh năm 1991) đều quê ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và Nguyễn Văn Quốc (sinh năm 1995) quê ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Trong 6 lao động trên, có 5 lao động xuất cảnh ngày 5/8 và 1 lao động (Nguyễn Tiến Tĩnh) xuất cảnh ngày 25.1.