Dân Việt

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM “đính chính” phát biểu của cấp phó

Quốc Ngọc 16/10/2014 14:08 GMT+7
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã đứng dậy có ý kiến ngay sau phần báo cáo khái quát về lĩnh vực dược của bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó giám đốc sở tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM ngày 15.10.
Ngày 15.10, Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc tại Sở Y tế TP.HCM nhằm giám sát về thực trạng thực hiện chương trình phát triển ngành hóa dược trên địa bàn. Đây cũng là một trong các chương trình mục tiêu kinh tế của thành phố.
img

Doanh nghiệp dược nộp hồ sơ dự thầu tại Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế TP.HCM trong đợt đấu thầu thuốc tập trung đợt 1, tháng 1.2014. Ảnh: Quốc Ngọc

Bệnh viện hạng càng cao, tỉ lệ thuốc nội càng thấp

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện TP.HCM có khoảng 25 nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn GMP-WHO trở lên, trong tổng số 127 nhà máy trên cả nước, chiếm trên 20%. Về kinh doanh, có 1.033 công ty phân phối dược, hơn 5.404 nhà thuốc và nhiều đại lý thuốc khác cho vùng sâu, vùng xa hoặc huyện ngoại thành. Tuy nhiên, điểm yếu nhất của ngành dược nói chung vẫn là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất. Nguyên liệu hóa dược phụ thuộc vào Ấn Độ, Trung Quốc và Châu Âu. Đầu tư vào lĩnh vực này hết sức khó khăn. Hiện thành phố chỉ có vài đơn vị sản xuất nguyên liệu hóa dược.

Theo bà Lan, thành phố cần tập trung vào thế mạnh là nguyên liệu từ hợp chất thiên nhiên (Đông dược) và nguyên liệu sinh học. Tuy được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng các doanh nghiệp dược của thành phố vẫn đang tự bươn trải và khó khăn lớn nhất chính là đầu ra. Thuốc nội chỉ chiếm chưa tới 50% thị phần. Sản phẩm “made in TP.HCM” tuy có chất lượng tốt, giá rẻ hơn thuốc ngoại nhập, nhưng khó tiêu thụ. Có một thực tế là tại các bệnh viện hạng càng cao, tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước càng thấp. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tìm mọi cách xoay xở để nâng cao quy trình và hoàn thiện công nghệ để sản xuất ra các loại thuốc đặc trị, thuốc quý, đáp ứng một phân khúc khác của thị trường.

Trởi lại vấn đề đầu ra, bà Lan xin phép lập lại ý kiến của bà và mong không bị giải trình: “Trong tình hình năm vừa rồi, một lần nữa là cơ chế đấu thầu theo giá rẻ đã gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp đầu tư lớn vào sản xuất, đầu tư các dây chuyền hiện đại”.

Theo bà Lan, Thông tư 01 về hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế mới chỉ đúng về lý thuyết. Thông tư yêu cầu tất cả các thuốc tham gia đấu thầu đều phải vượt qua vòng kỹ thuật 70 điểm, rồi mới đến vòng đấu giá. “Nhưng cái khổ là thang điểm được xây dựng để đạt mức 70 ai cũng có thể đạt hết. Nó giống như một đề thi mà không loại lựa được thí sinh. Cho nên rất khó phân biệt được giữa hàng kỹ thuật cao và kỹ thuật trung bình, giữa hàng tốt và hàng chấp nhận được - bà Lan nói - Tôi nói hàng chấp nhận được, vì không dám vơ đũa cả nắm mà nói hàng kém chất lượng vì cái này phải có kết luận của cơ quan quản lý, hệ thống kiểm nghiệm, cũng như ý kiến của bệnh viện. Nhưng thuốc rẻ thì rất khó có chất lượng, xin nói như vậy”.

Bà Lan đặt câu hỏi: Như vậy, doanh nghiệp đầu tư nhà máy, dây chuyền đạt GMP Châu Âu, tiêu chuẩn FDA của Mỹ, Úc, Nhật Bản v.v… để làm gì, để tới khi ra đấu thầu thì rớt hết?

Không thể có thuốc chất lượng mà giá rẻ được

Bà Lan cho rằng ngành dược đang tồn tại vấn đề rất lớn giữa giá và chất lượng. Cần xây dựng chính sách thống nhất trên quan điểm “phải có thuốc chất lượng và giá cả hợp lý, chứ không thể có thuốc chất lượng mà giá cả rẻ”.

“Chính vì chuyện giá rẻ này cho nên bản thân các doanh nghiệp dược trong nước cũng là đấu lẫn nhau, nói thẳng ra là đạp lẫn nhau. Mà đấu với nhau bằng cái gì? Đấu bằng chất lượng thì xa lắm, do đó phải đấu bằng giá để vào được hệ thống bệnh viện, để có thể trúng thầu”, bà Lan cho biết.

Bà Lan đề nghị thành phố nên đề xuất Trung ương sửa đổi Thông tư 01. “Nên chủ động sửa trước khi quá muộn, nếu không, cứ theo đà này, các doanh nghiệp làm đàng hoàng từ từ sẽ lụi tàn. Và đến một lúc nào đó, bản thân người tiêu dùng cũng sẽ quay lưng với dược phẩm Việt Nam khi họ thấy chất lượng không tốt”, bà Lan cảnh báo.

Ngay sau phần báo cáo của bà Lan, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đứng dậy nhắc nhở: “Hôm nay chỉ bàn về hóa dược thôi, không bàn về Thông tư 01, sở sẽ có báo cáo chính thức cho Bộ Y tế. Phát biểu vừa rồi của PGS Phong Lan nếu với tư cách Phó giám đốc sở thì phải đính chính lại”.

“Nếu nói như vậy thì chẳng khác nào người bệnh của chúng ta vừa qua đã được điều trị bằng những loại thuốc không có chất lượng”, ông Bỉnh nói và cho biết thêm sẽ có báo cáo về công tác đấu thầu và khẳng định không có chuyện thuốc giá rẻ, chất lượng thấp vào bệnh viện. Tất cả các thuốc trúng thầu lần đầu, Sở Y tế sẽ tiến hành kiểm nghiệm trước khi đưa vào các bệnh viện sử dụng.

Trước đó, Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết đã tiếp nhận Quyết định 189/QĐ-TTr của Chánh Thanh tra Bộ Y tế về việc thanh tra công tác quản lý nhà nước về chinh sách pháp luật bảo hiểm y tế và xã hội hóa y tế, quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc và quản lý mỹ phẩm của Sở Y tế TP.HCM. Thời hạn thanh tra là 45 ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra là ngày 14.10. Thời kỳ thanh tra từ 1.1.2013 đến 30.9.2014 và thời gian trước, sau có liên quan.