Đã quá trưa, chị mới tất tả từ chợ trở về. Thằng bé gần 10 tháng tuổi nhoẻn miệng cười rồi vội sà vào lòng mẹ. Nhưng nó nhanh chóng rời mẹ. Dường như nó chẳng thiết tha những giọt sữa ít ỏi của mẹ bằng việc chơi đùa với chị. Chị nó lên 3, nước da ngăm ngăm, tay chân lấm lem vì suốt ngày mải mê nghịch đất ngoài nắng, nhưng xinh xắn như một búp bê bởi khuôn mặt thì tròn trịa và đôi mắt trong veo. Nó sinh ra mà chưa được gặp mặt cha. Cha nó - Lý Nguyễn Chung (người đã gây ra vụ án mạng hơn 10 năm trước tại thôn Me, xã Nghĩa Chung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã vào tù trước khi nó ra đời 1 tháng. Với mẹ nó, điều đó như lưỡi dao cứa vào từng thớ thịt…
Bữa cơm chan nước mắt trước ngày chồng bị bắt
Chị kể với chúng tôi, 4 năm trước, chị được Lý Nguyễn Chung, một thanh niên siêng năng, hiền lành, ngỏ lời yêu đương. Chẳng bao lâu hai người cưới nhau rồi mượn một căn nhà nhỏ để ở. Cuộc sống khốn khó nhưng cái nghèo chẳng khiến chị phiền lòng. Trái lại, với chị những ngày tháng ấy là những ngày hạnh phúc nhất bởi có một người chồng rất chăm chút cho cuộc sống gia đình.
Chị không nghề nghiệp nên chỉ mình chồng bươn trải. Từ chở hàng thuê, đi làm mướn đến chạy xe ôm... Chung làm tất tật, miễn là việc lương thiện để lo cho vợ và đứa con đang nằm trong bụng. Lo vợ sinh nở không có căn nhà để ở, Chung gom góp vay mượn mua một căn nhà nhỏ ở thôn Đoàn Kết, xã Ea Kmut, huyện Ea Kar (Đăk Lăk). Đứa con đầu lòng chào đời, căn nhà nhỏ của chị tràn ngập hạnh phúc. Song chị lại cảm thấy lo lắng khi nhà thêm miệng ăn.
Hôm chúng tôi đến thăm, trong nhà chỉ có mẹ chị cùng hai đứa nhỏ. “Ông nhà tôi cứ nửa mê nửa tỉnh nhưng vài hôm cũng phải bỏ ổng để xuống đây trông con cho nó đi làm” - mẹ chị than thở. Rồi bà tiếp: “Mấy anh chị dưới thành phố Hồ Chí Minh gửi lên cho nó ít dép xốp để bán. Nhưng chợ mỗi ngày chỉ họp buổi sáng nên bán cũng chẳng được bao nhiêu. Kiếm được cái để ăn hàng ngày đã là may lắm rồi. Vợ chồng tui giờ bám thằng út, nhưng lâu lâu cũng phải mang gạo xuống cho nó. Con cái lỡ làng đứt từng khúc ruột chú à!”.
Khi được hỏi về cuộc sống hiện tại, chị nhìn hai đứa con nghẹn ngào: “Giờ qua ngày vậy thôi anh. Tới đâu hay tới đó chứ biết làm sao!”. Nói về chồng, chị chùng xuống: “Từ ngày ảnh đi em vẫn chưa có tiền ra thăm. Muốn đi cũng phải dẫn cả con đi chứ để ở nhà ai giữ cho được. Hơn nữa, đã ra đó thì cũng phải đến thăm nhà chú Chấn. Chú ấy đã ngồi tù thay cho chồng em bao nhiêu năm đau khổ biết chừng nào, chẳng lẽ giờ mình đến tay không. Rồi gia đình bị hại nữa. Họ cũng đã chịu bao đau thương…”.
Đột nhiên, chị quay qua hỏi tôi: “Chẳng biết chồng em có bị nặng lắm không?” nhưng rồi lại tự trả lời: “Chắc cũng phải trả cho người ta phải đến chục năm”. Nhìn cái cách thẫn thờ của chị, tôi nghĩ người phụ nữ ấy chắc dằn vặt về mức án của chồng nhiều lắm. Nhưng trong câu chuyện của mình, chị tuyệt nhiên không có bất cứ lời nào oán trách chồng.
“Nếu con người không mắc sai lầm thì đâu phải là người nữa. Em chỉ mong anh ấy trả hết “nợ” để về với em. Suốt một năm qua, em ngày nào cũng dõi theo tin tức của chồng. Em đã gửi cho ảnh hai bức thư nhưng chẳng thấy hồi âm. Tất cả những bài báo nói về chồng em đều đọc. Nhiều lúc thấy buồn khi có người đặt điều nói chuyện không đúng” - chị nói.
Tôi chia tay ngôi nhà ấy khi trời đã quá trưa. Nhưng chị vẫn ngồi thẫn thờ trước cửa mông lung điều gì xa xăm lắm. Hai đứa trẻ vẫn vô tư nô đùa bên mẹ. Có lẽ chính sự vô tư của chúng đã khiến mẹ chúng càng thêm não lòng. Tôi chợt tự hỏi mình, rồi đây khi Chung trở về, mấy đứa trẻ sẽ nhìn cha chúng như thế nào?