Sáng 15.10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp tục cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM lắng nghe và trao đổi với bà con cử tri tại quận 4. Lo ngại trước hiện trạng giáo dục, ông Nguyễn Vinh Ngọc (cử tri phường 4) đề nghị Quốc hội cần có nghị quyết về sách giáo khoa. “Cần bổ sung đầy đủ về lịch sử cuộc chiến đấu giữ nước bảo vệ Tổ quốc, nhất là giai đoạn sau ngày thống nhất. Cần nêu rõ ràng, trung thực các địa danh Lão Sơn - Vị Xuyên - Hà Giang, cao điểm 1509, bãi cạn Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa… phải được lưu danh”- ông nói.
Theo ông Vinh, cải cách chương trình giáo dục như vừa qua coi chừng lại gây quá tải cho học sinh. Chúng ta muốn có người đầy kiến thức nhưng ra thực tế không làm được việc hay là người học cái tinh xảo, đầy đủ kỹ năng bước vào đời? Ngoài ra, ông đặt vấn đề: “Phụ huynh không cần sự đánh bóng con em mình bằng danh hiệu học sinh giỏi hàng năm, nhưng chúng tôi được quyền thấy con em phát triển rõ về nhân cách, trí tuệ, tinh thần và đạo đức sau một năm đèn sách”.
Trước các vấn đề này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhìn nhận giáo dục đã thực hiện cải cách nhiều nhưng mức độ hài lòng không nhiều. “Xin ghi nhận lại các ý kiến của bà con để trao đổi lại. Lãnh đạo Bộ GDĐT bị rầy hơi nhiều”- ông nói.
Nhiều cử tri đặt câu hỏi, tại sao nợ công ngày một tăng mà chất lượng công trình ngày càng giảm? Nhất là những công trình giao thông, đường sá vừa mới làm đã lún, nứt như cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa qua? Do trình độ chuyên môn kém hay do rút ruột công trình? Sắp tới những công trình cao cấp khác tàu điện ngầm, sân bay, đường trên cao… có còn tạo được tin tưởng nơi nhân dân nữa không?
Một vấn đề có liên quan cũng được cử tri đặt ra, phải chăng những “con chuột” tham nhũng đã ôm chặt lấy “bình”, nên chúng ta lo vỡ “bình” mà không dám mạnh tay diệt “chuột”?
Tiếp thu ý kiến của người dân, Chủ tịch nước cho biết, hiện nợ công đã chạm trần, nhưng vẫn phải đi vay, nếu không lấy đâu ra làm đường sá. Dự kiến bội chi ngân sách năm nay không thể dưới 5,2%, càng khiến tăng nợ công. Chi thường xuyên từ ngân sách 50% đã vọt lên 70% trong những năm gần đây. Hiện cả nước có hơn 6 triệu người hưởng lương, chính sách từ ngân sách. “Không thể thoải mái được nữa. Cứ đà này nếu không cải cách, không thay đổi sẽ càng trì trệ”- ông Sang nói. Trong thời gian tới, chắc chắn phải thực hiện triệt để chi tiêu tiết kiệm, tăng cường xã hội hóa sự nghiệp công.
Về chống tham nhũng, ông cho rằng thời gian qua đã có một số kết quả nhưng tất cả chưa đạt được yêu cầu mà Đảng và Nhà nước đặt ra. Do đó, cần phải ra tay nhiều hơn nữa. Nếu có vụ việc nào, phải làm rõ vụ đó. Và trên hết, để Đảng và Nhà nước có thể làm được tất cả những việc đã nêu, Chủ tịch nước kêu gọi người dân cần phải tăng cường vai trò giám sát của mình hơn nữa.