Gia đình ông Nguyễn Văn Đông, 50 tuổi có 3 bè cá, vay vốn làm ăn mấy năm nay chưa trả hết nợ. Đùng một cái, hàng tấn cá sắp đến ngày thu hoạch bỗng nhiên phơi bụng.
Anh Nguyễn Văn Đông vớt những con cá chết trắng do bị ô nhiễm. |
Ông Đông cho hay, tai họa xảy ra từ ngày 15.4. Lúc đầu chỉ một nhà phát hiện, ngay sau đó lan tràn khắp xóm, không ai ngăn trở kịp. Ông Lê Trường Giang có đến 7 “chèo” (bè) cá bị chết hoàn toàn và phải đem tiêu hủy. Ông cho biết, người dân phải chở hàng tấn cá chết lên cho những người trồng xoài đổ vào gốc, làm phân... “thấy mà đau lòng”.
Được biết, hầu hết bà con đều cầm cố sổ đỏ, nhà cửa đất đai ở nơi khác, nhiều bà con là người Campuchia sang định cư. “Cứ vay nợ và mua thiếu trước đến mùa lại trả sau, bây giờ gặp nông nỗi như thế này, chẳng biết rồi sẽ thế nào đây” - anh Nguyễn Thành Đạt than thở.
Ông Trần Văn Ngà - Tổng Giám đốc Công ty Mía đường La Ngà thừa nhận, sự cố đáng tiếc xảy ra là do bồn chứa rỉ mật tại nhà máy bị rò rỉ, sau đó tràn ra ngoài và một phần chảy xuống sông. “Chúng tôi chịu trách nhiệm về sự cố và chấp nhận đền bù 100% cho bà con” - ông Ngà cam kết.
Theo bà Vũ Thị Thơ - Chủ tịch UBND xã La Ngà, sau khi xảy ra sự cố, xã đã có văn bản báo cáo huyện. Tuy nhiên, việc đền bù bị chậm trễ do không có sự thống nhất giữa công ty mía đường và người dân về số lượng cá bị thiệt hại.
Được biết, đây không phải lần đầu công ty để rò rỉ chất thải. Hơn 2 năm trước, chất thải của công ty từng bị tràn làm chết cá của bà con nông dân và đã phải đền bù…
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Định Quán (Đồng Nai) và UBND xã Phú Ngọc xác định đã có 18 hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng sự cố tràn gỉ mật. Khoảng 89 tấn cá thịt các loại và gần 1.400kg cá giống bị chết do ô nhiễm. Không hiểu đến bao giờ người dân mới được đền bù và tình trạng ô nhiễm được giải quyết?
Sao La