Dân Việt

Bẫy thu nhập trung bình

05/05/2011 10:55 GMT+7
(Dân Việt) - Phải phấn đấu bao nhiêu năm Việt Nam mới gia nhập được vào khối quốc gia có thu nhập trung bình (thu nhập bình quân 1.000USD/người/năm trở lên), vậy mà “thu nhập trung bình” lại là “bẫy” ư?

Tại Hà Nội vừa diễn ra Hội nghị cấp cao về kinh doanh trong khuôn khổ hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tại hội nghị đã bàn thảo cặn kẽ những giải pháp để làm sao Việt Nam thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”. Phải phấn đấu bao nhiêu năm Việt Nam mới gia nhập được vào khối quốc gia có thu nhập trung bình (thu nhập bình quân 1.000USD/người/năm trở lên), vậy mà “thu nhập trung bình” lại là “bẫy” ư?

Theo GS Kenichi Ohno - ĐH Nghiên cứu chính sách của Nhật Bản thì “bẫy thu nhập trung bình” xảy ra khi một nước bị “mắc kẹt” tại mức thu nhập trung bình, đạt được nhờ có nguồn tài nguyên và những lợi thế ban đầu, ở đó lợi thế về nguồn vốn vay là chủ đạo.

Sau đó, cứ loay hoay ở mức trung bình thấp do bán dần tài nguyên mà ăn và vay nợ dài dài, quốc gia ấy không vượt được ngưỡng thu nhập trung bình thấp. Chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Những nhận xét thẳng thắn như thế quả thật rất cần thiết cho đường hướng phát triển của nền kinh tế VN ở hiện tại và trong tương lai.

Một trong những nguyên nhân khiến VN có thể phải loay hoay nhiều năm trong cái bẫy “thu nhập trung bình” là do thiếu hẳn nguồn nhân lực chất lượng cao với số lượng lớn. Bởi nói tới phát triển kinh tế là phải nói tới con người, cụ thể là nguồn lao động tham gia làm nên sự phát triển ấy. Cái gọi là “lợi thế nhân công giá rẻ” tại VN lâu nay, bây giờ đã thực sự trở thành “cái bẫy” ngăn trở sự phát triển.

Quốc gia nào khi mới đi vào nền kinh tế thị trường cũng đều phải dựa vào nguồn nhân lực sẵn có và chưa được đào tạo sâu của mình như một lợi thế đầu tiên để thu hút đầu tư. Nhưng qua thời gian, khi các quốc gia khác có cùng xuất phát điểm như mình đã có những chiến lược nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, riêng mình vẫn dừng lại ở nguồn nhân công giá rẻ, thì các nhà đầu tư sẽ dần từ bỏ mình để tới với những quốc gia có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và có kỹ năng cao.

Nói tới nguồn nhân lực chất lượng cao không thể bỏ qua chất lượng của nền giáo dục. Ai cũng biết, chính những bất cập của nền giáo dục bao năm qua đã khiến VN tuy có tiềm năng, nhưng chưa bao giờ đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho chính mình. Khi dạy với học chưa đáp ứng được những đòi hỏi thực tế của công việc, thì chuyện đòi hỏi học sinh hay sinh viên ra trường phải có kỹ năng lao động cao là không thể.