Dân Việt

Thêm một chức danh phải lấy phiếu tín nhiệm

Hải Phong 17/10/2014 17:18 GMT+7
Kỳ họp lần này là kỳ họp đầu tiên diễn ra tại tòa nhà Quốc hội mới, với thời gian dự kiến 33 ngày (từ 20.10 - 28.11). Tại kỳ họp lần này, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiếp tục tiến hành lần thứ 2, với 50 chức danh chủ chốt, thay vì 49 chức danh trong lần đầu tiên.

Ngày 17.10, Văn phòng Quốc hội tổ chức buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến và thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) và sau đó sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 với 50 cán bộ giữ các chức danh chủ chốt.

img Chủ nhiệm VPQH đang trả lời các câu hỏi báo giới xung quanh kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII. Ảnh: T.Chung.

 

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) cho biết, Nghị quyết sửa đổi lần này vẫn giữ nguyên 3 mức tín nhiệm như Nghị quyết 35. “Cái này Trung ương cũng bàn rất kỹ. Đây là điểm khác nhau giữa việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm: Lấy phiếu thì cần 3 mức. Còn 2 mức thì là bỏ phiếu rồi. Việc sửa đổi này đã được nghiên cứu kỹ  thông qua thực tế triển khai và phân tích, nên thấy 3 mức như vậy là hợp lý”, ông Phúc khẳng định.

 “Các phiên làm việc của Quốc hội về vấn đề Biển Đông, trong đó bàn tới việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa sẽ tổ chức họp kín do chủ yếu bàn về chính sách và các giải pháp cho vấn đề này. Tương tự, các phiên lấy phiếu tín nhiệm cũng được họp kín để đại biểu có thể suy nghĩ và đưa ra quyết định chính xác nhất” – Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc.

Đánh giá về kết quả của lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tác động ra sao tới hoạt động của các chức danh được lấy phiếu, ông Phúc đánh giá: “Kết quả lấy phiếu lần đầu thể hiện kết quả tích cực, cụ thể là những thành viên của Chính phủ qua lần đầu có nhiều phiếu tín nhiệm thấp đã có những nỗ lực để cải thiện tình hình và có những chuyển biến tích cực, được đông đảo cử tri ghi nhận”. “Bên cạnh đó, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là một biện pháp thực hiện theo Nghị quyết T.Ư 4, là kênh tham khảo giúp cho công tác quy hoạch cán bộ trong nhiệm kỳ tới được chính xác hơn” - Chủ nhiệm VPQH thông tin.

Giải thích về con số 50 cán bộ thuộc diện phải lấy phiếu tín nhiệm, tăng 1 người so với 49 người ở lần lấy phiếu đầu (thực tế chỉ còn 47 người), ông Phúc cho biết một chức danh mới được bổ sung thêm là ông Nguyễn Đức Hiền – Trưởng Ban dân nguyện Quốc hội. “Ở lần lấy phiếu đầu, do ông Hiền mới được bầu nên chưa đủ điều kiện để lấy phiếu. Đến giờ, thời gian làm việc của ông Hiền cũng đã đủ nên bổ sung vào danh sách các chức danh chủ chốt thuộc diện phải lấy phiếu” - Chủ nhiệm Phúc giải thích.