Chúng tôi đến thăm gia đình bệnh binh (mất 61% sức khỏe) Đặng Hồng Kế, người hiến đất nhiều nhất để làm tuyến đường trục 2 của xã Đoan Bái. Lau những giọt mồ hôi ướt đẫm trên khuôn mặt sạm nắng, ông Kế nói với chúng tôi: “Lợi ích thì ai cũng cần, nhưng làm đường để phục vụ bà con, góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương. Đặc biệt, trẻ em đi học không còn vất vả khi mùa mưa đến. Vì lẽ đó, mình đâu thể chỉ vì lợi ích cá nhân mà quên đi tập thể cộng đồng, mình sống phải vì mọi người. Có đất, xóm làng có đường để đi, thấy có ích mình sẵn sàng đóng góp”.
Ông Đặng Hồng Kế từng là lính lái xe trải dọc tuyến đường Trường Sơn. Sau 17 năm, ông trở về quê hương cùng vợ và 3 người con tập trung phát triển kinh tế trên mảnh đất hương hỏa do cha ông để lại. Hiện nay, hai người con lớn đã xây dựng gia đình. ông bà ở với anh con cả, 3 đứa cháu nội và con trai út. Cả nhà sống nhờ vào mấy sào ruộng khoán và 2,2 triệu đồng tiền lương bệnh binh của ông. Gia đình ông nuôi thêm con gà, con lợn, trồng thêm ít rau… để cải thiện bữa ăn hàng ngày và trang trải các khoản chi phí sinh hoạt khác. Số đất gia đình ông hiến quy ra thành tiền lên đến hàng trăm triệu đồng - phần tài sản rất có giá trị đối với gia đình ông. Ông cho rằng, dù mảnh đất của gia đình là do cha ông để lại nhưng nếu bớt một phần đất mà giúp cho mọi người đi lại thuận lợi và làm quê hương tươi đẹp hơn thì đó là việc nên làm.
Các thành viên trong gia đình đều vui vẻ đồng ý với quyết định của ông, tự nguyện hiến đất mà không nhận tiền đền bù. Ông Kế đã tự tay phá nhà ngang, nhà bếp, chuồng trâu, chuồng lợn, nhà tắm, giếng, và tường rào với tổng diện tích hơn 80m2 bàn giao mặt bằng cho xã để làm đường. Cảm động trước tinh thần tự nguyện của gia đình ông Đặng Hồng Kế, 17 hộ dân của thôn Bái Thượng cũng tự nguyện làm theo. Tuyến đường trục 2 từ Quốc lộ 37 qua thôn An Lập, Bái Thượng đi thôn Tam Đồng có chiều dài 1,9km nay được mở rộng 7m, đổ bê tông 5m và có rãnh thoát nước hai bên. Con đường đang dần hoàn thiện, người dân nơi đây rất phấn khởi.
Ông Hoàng Thế Anh- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Gia đình ông Kế đang gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân ông là bệnh binh, bị ung thư vòm họng, mỗi tháng phải chữa chạy mất trên 10 triệu đồng. Vậy mà ông vẫn tình nguyện phá những công trình phụ, hiến đất để làm đường. Tấm gương của ông xứng đáng để mọi người học tập và noi theo”.
Quả vậy, nếu ai cũng có tấm lòng như ông Kế thì xây dựng nông thôn mới ở địa phương sẽ dễ dàng thành công.