Dân Việt

25 năm đi tìm đồng đội

Ngọc vũ 18/10/2014 14:36 GMT+7
25 năm qua, ông thầm lặng vượt núi cao, suối sâu đi tìm hài cốt đồng đội đưa về quê hương chôn cất. Ông làm việc đó, đơn giản chỉ vì muốn trả ơn đồng đội. Ông là Trần Kiệm (70 tuổi), thương binh hạng 3/4, trú tại khu phố 9, phường 5, TP.Đông Hà, Quảng Trị.

“Đồng đội đã cứu sống tôi”

Nhấp ngụm nước trà, ông Kiệm ngược dòng lịch sử kể cho chúng tôi nghe ký ức trận mạc cùng đồng đội vào sinh ra tử chống Mỹ cứu nước.

Năm 1964, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ ở tuổi 19. Khi ấy, ông hoạt động chủ yếu ở chiến trường Gio Cam (nay thuộc 2 huyện Gio Linh và Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Trong trận đánh đêm 18 rạng sáng 19.2.1969, ở Cam Thành (Cam Lộ), ông bị thương gãy một cánh tay và chân phải, được 3 đồng đội khiêng võng trở ra tuyến lửa huyện Vĩnh Linh (bắc sông Bến Hải) dưỡng thương. Khi tới cao điểm 102 Cù Đinh (Gio Linh), giặc Mỹ thả bom, càn quét liên tục. Ông may mắn thoát chết nhưng 3 đồng đội của ông phải nằm lại chiến trường.

Ông Kiệm nghẹn ngào kể tiếp, trong cuộc họp cứu đói cho dân ở Cam Lộ, ông cùng đồng đội bị máy bay B52 Mỹ ném bom trúng hầm. Một lần nữa ông phải chứng kiến cảnh đồng đội bị vùi lấp trong đống tro tàn. “Lúc ấy tôi thoát chết là do chưa vào hầm. Nhiều lần bị thương ở chiến trường, nếu không có đồng đội che chở chắc tôi đã chết rồi. Đồng đội đã cứu sống tôi”– ông Kiệm ngấn lệ.

Đưa đồng đội về đất mẹ

Lòng ông lúc nào cũng trĩu nặng khi nghĩ về đồng đội đã hy sinh nằm lạnh lẽo giữa chiến trường năm xưa. Hòa bình lập lại, việc đầu tiên ông làm là đi tìm hài cốt của 3 liệt sĩ đã hy sinh trong lần đưa ông ra Bắc dưỡng thương năm 1969. Thế nhưng, ông chỉ tìm được hài cốt của 2 liệt sĩ, còn hài cốt liệt sĩ Phạm Doãn Lý (quê Thạch Tiến, Thạch Hà, Hà Tĩnh) không tìm được. Ông cùng gia đình liệt sĩ Lý nuốt nước mắt bốc một nắm đất nơi anh nằm xuống, tổ chức nghi lễ đưa về quê an táng.

Năm 1990, ông xin nghỉ chế độ để dành thời gian đi tìm hài cốt đồng đội. Hễ có bất cứ thông tin nào liên quan đến đồng đội hay thân nhân của các gia đình liệt sĩ đến nhờ giúp đỡ, ông đều tức tốc khăn gói lên đường mà không đòi một đồng lộ phí.

25 năm ròng, ông bỏ tiền túi, đến từng thôn xóm, bản làng để tự mình tìm kiếm được 66 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 15 liệt sĩ được ông xác nhận rõ lý lịch, liên hệ với người nhà đưa về yên nghỉ nơi quê cha đất tổ. 51 hài cốt còn lại được an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn Quảng Trị.

Sau chiến tranh, địa hình, tên xóm, tên làng đã đổi thay đi nhiều. Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của ông Kiệm vất vả trăm bề. Dẫu không phải chuyến đi nào cũng thành công, nhưng niềm tin đã giúp ông vượt qua tất cả. Sau những chuyến đi gian truân ấy, còn đọng lại trong ông là niềm vui khi đồng đội được trở về nằm trong lòng đất mẹ, là những giọt nước mắt mừng vui khôn tả của những người vợ, người mẹ ngày đêm trông ngóng chồng, con.

Nhiều thân nhân liệt sĩ cảm kích trước việc làm của ông nên ngỏ ý muốn đưa phong bì, tặng quà để cảm ơn nhưng ông nhất quyết không nhận. “Tôi làm chỉ vì muốn trả ơn đồng đội” – ông Kiệm giải bày.

Ở tuổi 70, sức khỏe ông Kiệm ngày càng giảm sút. Bản thân ông lại bị bệnh tiểu đường cùng những vết thương thời chiến tranh hành hạ. Vậy nhưng, ông vẫn quyết không bỏ cuộc, tiếp tục những chuyến đi để đưa đồng đội về với quê hương.

Ông Thái Vĩnh Vinh – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 5, TP.Đông Hà cho biết: “Dù tuổi đã cao nhưng ông Kiệm luôn tận tụy với công việc tìm hài cốt đồng đội. Ông ấy là tấm gương sáng để mọi người học tập noi theo và nhân rộng trong cộng đồng”.

 25 năm ròng, ông bỏ tiền túi, đến từng thôn xóm, bản làng để tự mình tìm kiếm được 66 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 15 liệt sĩ được ông xác nhận rõ lý lịch, liên hệ với người nhà đưa về yên nghỉ nơi quê cha đất tổ. 51 hài cốt còn lại được an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn Quảng Trị.