Đây là lần đầu tiên mà "bức thư ngày khai trường" của Chủ tịch nước đã mạnh mẽ kêu gọi ngành giáo dục-mà chủ quản là Bộ GDĐT cần phải đặt lên hàng đầu việc giáo dục lịch sử, đạo đức, lối sống và trách nhiệm xã hội cho học sinh nói riêng, cho thế hệ trẻ nói chung, trong tổng thể chương trình giáo dục.
Có một thực tế đau lòng, là lâu nay môn lịch sử đã và đang trở thành một môn học "bên lề" ngay trong nhà trường. Học sinh học môn này một cách như bị bắt buộc chứ hoàn toàn không có hứng thú, càng không có những suy nghĩ độc lập và sáng tạo trong khi học.
Từ một môn học chính quan trọng, môn lịch sử đã và đang trở thành một môn học phụ, học sinh học "cho qua cầu" còn giáo viên dạy "cho xong việc". Bởi môn học lịch sử có thể là môn học mở, với vô vàn những kiến thức bổ sung gây hứng thú, gây xúc cảm và những tò mò tìm hiểu về lịch sử đất nước cho học sinh, song đồng thời lại có thể là môn học rất nhàm chán nếu được dạy theo lối sáo mòn còn học theo lối thuộc lòng, học vẹt.
Không có nhiệt huyết, không nung nấu lòng yêu nước thì không thể dạy và học thành công môn lịch sử. Nếu những bài dạy lịch sử đi thẳng vào truyền thống yêu nước chống ngoại xâm hàng mấy nghìn năm của dân tộc, còn người dạy thì truyền đạt bằng tất cả nhiệt huyết, bằng tình yêu nước của chính mình, thì nhất định học sinh sẽ tiếp thu bài học lịch sử một cách hào hứng, xúc động và lòng yêu nước sẽ như ngọn lửa được lan truyền.
Ở đây cần nói thêm, trong khi việc dạy môn lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam đang diễn ra một cách tẻ nhạt trong nhà trường, thì ở bên ngoài nhà trường lại bùng nổ và bền bỉ công chiếu những phim lịch sử nước ngoài, đặc biệt là phim lịch sử Trung Quốc cho mọi đối tượng người xem, trong đó có học sinh và thế hệ trẻ. Việc thiếu vắng những tác phẩm lịch sử Việt Nam, những phim truyền hình nhiều tập về lịch sử Việt Nam có chất lượng đã đưa đến tình trạng này, và nó thực sự là một "nguy cơ bổ sung" cho việc dạy và học môn lịch sử Việt Nam một cách nhàm chán trong nhà trường.
Lòng yêu nước được hình thành một cách tự nhiên, nhưng được làm sâu sắc thêm, phong phú thêm bằng những bài học lịch sử. Khi Chủ tịch nước nhấn mạnh về việc giáo dục lịch sử trong nhà trường, là muốn nói đến việc giáo dục lòng yêu nước và trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội cho tất cả học sinh. Đó thực sự là việc lớn cần phải làm.
Thanh Thảo