Ngày 30.8, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức họp báo công bố công khai Báo cáo kiểm toán năm 2010 về niên độ ngân sách 2009 và Báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2009 của KTNN. Theo đó, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 17 nghìn tỷ đồng.
Tổng Công ty Lắp máy VN (LILAMA) được xác định lỗ 103 tỷ đồng (ảnh minh họa). |
Báo cáo của KTNN cũng cho hay, các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc về thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN về chấn chỉnh công tác quản lý tài chính. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện xử lý tài chính vẫn chưa cao, chỉ đạt 69,1% tổng số kiến nghị, trong đó địa phương thực hiện đạt bằng 59%; các bộ, ngành trung ương thực hiện được 58,1%; các cuộc kiểm toán chuyên đề thực hiện đạt bằng 91,7%; các doanh nghiệp đạt 98,4%; các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đạt 76,6%...
Trả lời các câu hỏi của phóng viên về kết quả kiểm toán các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, ông Lê Minh Khái -Phó Tổng KTNN cho biết, việc kiểm toán quỹ bình ổn giá xăng dầu, chuyện lỗ lãi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các yếu tố cấu thành giá điện, đã cơ bản hoàn tất. Nhưng các đơn vị chức năng đang xử lý số liệu nên chưa thể công bố và chưa phát hành báo cáo cuối cùng.
Ông Khái cũng cho biết, việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn tại 10 đơn vị đầu mối được KTNN thực hiện kiểm toán bắt đầu từ ngày 22.7 và kéo dài đến hết tháng 8. Chuyên đề kiểm toán này được đặt ra khi dư luận nghi ngờ về tính minh bạch trong việc sử dụng quỹ bình ổn. “Trong khi các ông lớn dùng sai quy định cả nghìn tỷ đồng mà chưa làm rõ nguyên nhân thì việc trích quỹ vẫn được triển khai và giá xăng dầu không giảm như kỳ vọng của người tiêu dùng” - ông Khái nói.
Cũng theo báo cáo của KTNN, kiểm toán 27 tập đoàn, doanh nghiệp lớn cho thấy đều làm ăn có lãi, bảo toàn và phát triển vốn. Chỉ có một số đơn vị làm ăn thua lỗ như: Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam lỗ 103 tỷ đồng, Tổng Công ty Sông Hồng lỗ trên 20,64 tỷ đồng.
Về các khoản nợ khó đòi, kết quả kiểm toán cho thấy nhiều doanh nghiệp con thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN có các khoản nợ lên tới cả nghìn tỷ đồng. Trong đó, Công ty Viễn thông Quốc tế 922 tỷ đồng; Công ty Viễn thông TP.HCM 109 tỷ đồng; Công ty Viễn thông Đồng Nai 15 tỷ đồng; Công ty Viễn thông Hà Nội 97,6 tỷ đồng. Các khoản nợ này tồn đọng nhiều năm và chưa được xử lý dứt điểm.
Về các hoạt động đầu tư ra ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ông Lê Minh Khái đánh giá đã giảm đáng kể và phù hợp với quy định của Chính phủ. Trong đó, tổng các khoản đầu tư tài chính ngắn và dài hạn tại 27 tập đoàn, tổng công ty nằm trong danh sách kiểm toán là 110.865 tỷ đồng.
Riêng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng là 5.047 tỷ đồng, bằng 4,28% vốn điều lệ, các khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng là 9.183 tỷ đồng, bằng 7,78% vốn điều lệ, lĩnh vực xây dựng, phân bón 3.436 tỷ đồng, các lĩnh vực khác 11.560 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đầu tư vào lĩnh vực tài chính 11.033 tỷ đồng, bằng 16,5% vốn điều lệ...
Hoàng Long