Dân Việt

Áp lực khiến trẻ rối loạn tâm thần

Diệu linh 20/10/2014 07:40 GMT+7
Cho rằng con chỉ hiếu động, nghịch ngợm hoặc giả ốm để trốn học, nhiều bậc cha mẹ đã bỏ qua các dấu hiệu “ốm yếu” về sức khỏe tâm thần của con. Theo các bác sĩ, nếu vấn đề tâm lý không được giải quyết sẽ khiến trẻ lớn lên bị lệch lạc suy nghĩ, hành vi…

Cứ học là đau

Dạo này, mỗi khi đến lớp, tới giờ kiểm tra là Trần Hoài Phương (12 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) lại lên cơn đau bụng quằn quại, khiến thầy cô giáo và bạn bè kinh hãi. Tuy nhiên, bạn bè và thầy cô đều cho rằng Phương giả vờ để trốn kiểm tra. Cô giáo thông báo về cho gia đình, chị Hằng – mẹ Phương liền nổi giận, ép con ngồi vào bàn học để gỡ điểm, con chị lại ôm bụng đau đớn, mồ hôi chảy túa ra. Chị Hằng vội đưa con đi viện nhưng làm đủ các xét nghiệm vẫn không tìm ra nguyên nhân. Cuối cùng, bác sĩ khuyên chị Hằng nên đưa con đi khám sức khỏe tâm thần.

Bác sĩ Lý Trần Tình – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, trường hợp như Phương không phải là hiếm. Do không chịu nổi áp lực học tập, lại thường xuyên bị cha mẹ thúc ép nên nhiều trẻ bị căng thẳng, sợ hãi, lo âu, dẫn đến bị rối loạn thực vật. “Có em cứ nói đến chuyện học là run lẩy bẩy, đái cả ra quần. Đó là do sức khỏe tâm thần của các em không tốt dẫn đến việc kiểm soát hành vi kém” – bác sĩ Tình nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Tình, điều tra gần đây tại một số trường tiểu học và THCS tại Hà Nội cho thấy, hơn 15% trẻ em từ 6-14 tuổi, gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như tăng động giảm chú ý, trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi.

Bác sĩ Lâm Tứ Trung – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cũng cho biết, điều tra về sức khỏe tâm thần tại một số trường tiểu học và THCS Đà Nẵng cho kết quả tương đương. Các em thường gặp các triệu chứng lo âu, trầm cảm, chống đối, đau đầu, đau bụng không rõ nguyên nhân.

Cần điều trị sớm

Theo bác sĩ Tình, hầu hết các bậc cha mẹ và thầy cô đều không nhận thức được vấn đề của con mình, chỉ cho rằng con (học trò) của mình hơi hiếu động, hơi mất tập trung, hơi trầm tính… “Một số thầy cô đã hốt hoảng khi nhìn kết quả nghiên cứu. Họ cho rằng nếu như ai đó biết trường họ có tới 15-20% học sinh gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần thì sẽ tai tiếng, ai dám đưa con đến học. Còn các bậc cha mẹ thì ngại bị cười chê nếu con “trục trặc tâm lý” nên không dám thừa nhận bệnh của con, không đưa con đi điều trị” – bác sĩ Tình cho biết.

Bác sĩ Tình nhấn mạnh, nếu các vấn đề tâm lý này không được sớm nhận biết và can thiệp bằng các liệu pháp tâm lý, điều chỉnh hành vi thì đứa trẻ lớn lên nếu là trẻ bị chứng tăng động giảm chú ý hay thích bắt nạt bạn bè thì học hành sẽ chểnh mảng, có xu hướng bạo lực, thiếu kiểm soát được tâm tính. Những trẻ này rất dễ vướng vào các tệ nạn xã hội. Còn trẻ trầm cảm, căng thẳng kéo dài dễ có khả năng suy sụp tinh thần đến mức chán ghét bản thân, thích làm mình đau hoặc tự sát…

Theo bác sĩ Trung, cha mẹ khi thấy con có các hành vi tăng động, giảm chú ý, hay bắt nạt bạn bè, dễ nóng giận, đau vu vơ không rõ nguyên nhân, mất ngủ hoặc buồn chán, ít giao tiếp với bạn bè, mê chơi game đến mức quên ăn quên ngủ, hành vi bất thường… thì cần lưu ý hoặc đưa con đi khám để được tư vấn điều trị cho đúng. Bệnh nặng có thể điều trị bằng thuốc nhưng đa phần các chứng bệnh chỉ cần can thiệp bằng thay đổi các thói quen, giữ cho bệnh nhân không bị kích động, lo lắng thái quá hoặc đặt quá nhiều sức ép lên các em.

  Bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 cho biết: “Trước đây có khoảng 14,9% dân số gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần thì điều tra sơ bộ gần đây cho thấy, con số này đã lên đến gần 20% (hơn 18 triệu người). Có đột biến về con số này là do số người loạn thần vì ma túy, rượu, game và rối loạn hành vi ngày càng gia tăng”.