Dân Việt

Đề xuất chưa xử lý hình sự tội làm giàu bất chính

20/10/2014 07:45 GMT+7
Ban soạn thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) cho rằng, điều kiện nước ta hiện nay, việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính cần phải được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng hơn bởi chưa đảm bảo tính khả thi.

Theo thông tin từ tổ biên tập, trước mắt, thay vì bổ sung tội làm giàu bất chính vào Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), ban soạn thảo đề xuất cần nghiên cứu kỹ các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng để cân nhắc bổ sung tội vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, tội này nếu bổ sung cũng phải đi kèm với các điều kiện chặt chẽ “trên tinh thần chủ yếu để răn đe, phòng ngừa”. Những trường hợp vi phạm có tính hệ thống, cố tình che giấu hoặc không giải trình rõ về nguồn gốc đối với số lượng tài sản, thu nhập lớn mới nên xử lý. Dự thảo hiện cũng đang thể hiện theo hướng này.

img

Ảnh minh họa.

Cũng liên quan đến nhóm tội phạm về tham nhũng, tổ biên tập đã đề xuất mở rộng phạm vi tội phạm tham nhũng ra khu vực tư theo tinh thần Công ước chống tham nhũng. Theo đại diện tổ biên tập, trong thực tiễn hiện nay, người thực hiện một số hành vi tương tự như hành vi tham nhũng nhưng trong khu vực tư lại bị xử lý về tội phạm khác như lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Nguyễn Văn Hoàn (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp) phân tích, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy sự bất cập trong chính sách xử lý đối với các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Sự bất cập này tồn tại theo ông Hoàn là do có sự phân biệt giữa khu vực công và khu vực tư. "Thậm chí, nhiều hành vi tương tự như tham nhũng nhưng diễn ra trong khu vực tư thì không thể xử lý được”, ông Hoàn nói.

Ông Hoàn cho biết, dự thảo thể hiện theo hướng xác định phạm vi các tội tham nhũng trong khu vực tư bao gồm tất cả tội tham nhũng trong khu vực công quy định tại mục A chương các tội phạm về tham nhũng. Theo đó, khái niệm tội phạm về chức vụ quy định tại điều 277 cần mở rộng. Đồng thời, khái niệm tội phạm về tham nhũng cần bổ sung để bao quát cả khu vực tư. Tuy nhiên, ông Hoàn cho hay, cũng có ý kiến cho rằng trước mắt chỉ nên quy định tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư đối với hai hành vi tham ô tài sản và nhận hối lộ.

Tổ biên tập cũng kiến nghị hình sự hóa hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức làm việc tại các tổ chức quốc tế công. Tổ biên tập cũng xin ý kiến về việc quy định phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm về tham nhũng. Theo ông Hoàn, hiện có hai ý kiến về việc này. Ý kiến thứ nhất cho rằng đối với các tội tham nhũng, bên cạnh việc nghiêm trị người phạm tội thì vấn đề quan trọng hơn là cần phải thu hồi cho được tài sản tham nhũng. Dự thảo đang thể hiện theo hướng bổ sung hình phạt tiền trong cấu thành tội phạm để lựa chọn với hình phạt tù.

Ý kiến khác lại phản đối, cho rằng việc quy định phạt tiền là hình phạt chính để lựa chọn với hình phạt tù có thời hạn khi phạm tội tham nhũng là làm giảm nhẹ chính sách xử lý hình sự đối với nhóm tội phạm này…

Ông Nguyễn Quang Lộc (người đã có hơn 30 năm làm thẩm phán) đặt ra vấn đề người dân cho rằng xử tham nhũng hiện nay rất nhẹ, nếu đề xuất phạt tiền như dự thảo là không nên. Mặt khác, theo ông Lộc, nếu phạt tiền là hình phạt chính thì hình phạt bổ sung là phạt tiền phải bỏ. "Hình phạt tiền không thể vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung", ông Lộc cho ý kiến.