Những truyện ngắn vẫn giữ nguyên lối viết chậm rãi, đơn giản, truyện mà không có chuyện. Những cảm xúc được kìm lại, những hành động được tiết chế, mạch văn đều đặn đẩy người đọc đến mong chờ một đột phá về cảm xúc, có thể kết bằng một cuộc vui tưng bừng hay một sự đổ vỡ tan nát, nhưng những cái kết đều nhẹ bẫng.
“Hạnh phúc là gì? Nếu hạnh phúc là tình yêu thì anh và cô đã hạnh phúc. Anh bỗng nhớ cảm giác nắm tay cô vừa nồng nàn vừa dịu dàng.
Có những cách thầm lặng để mang lại hạnh phúc cho người mình yêu thương… Nhưng anh bỗng thấy lúng túng, anh không biết làm thế nào để cô hạnh phúc. Có thể đó là một trong những lý do khiến anh ngại gặp cô…” (Nơi gặp dòng sông)
Tuy vậy, “nhẹ” không có nghĩa là không đi về đâu, mà là đưa ra những lựa chọn rất đời, để mặc cho người đọc cảm nhận. Người đọc cũng nhận thấy bản thân mình trong mỗi câu chuyện, những xúc cảm xáo trộn, những lo lắng bâng quơ, những hy vọng mơ hồ đã từng len vào trong trái tim con người ta một buổi nào đó…
“Nhưng anh biết cô là niềm hạnh phúc vượt ra ngoài tầm tay mình. Nhưng anh biết cô có nỗi khát khao không bỏ lỡ bất cứ điều gì trong cuộc đời này. Nhưng anh biết, để cô thực sự là cô gái mà anh chờ đợi suốt cuộc đời mình, cô sẽ phải bỏ anh. Vì người ta không thể sống mãi trong giấc mơ, người ta không thể sống mãi cùng giấc mơ.” (Phía sau cuộc tình)
Tản mạn về đàn ông trong cuốn sách này với những tựa đề rất “sốc” như: Đàn ông không mua tình, Doanh nhân và sex… Nhưng dẫn dắt vẫn là giọng văn trào lộng, hóm hỉnh, xuyên qua những vấn đề tưởng là rất đơn giản, rất vu vơ nhưng lại phản ánh rất chân thực đời sống.
“Tôi phải thú nhận rằng có lúc đã dùng tiền mua tình – để đưa một người đẹp đi ăn các món ngon, triền miên từ quán này đến quán khác. Cuối cùng, đêm về, người đẹp đã nhắn tin rằng, ‘Anh làm em mất ngủ.’ Về sau mới biết, thực ra người đẹp mất ngủ vì ăn quá no…” (Đàn ông không mua tình)
Những tản mạn này cũng là bản tự bạch chân thành của người đàn ông trong đời sống hiện đại, có đổ vỡ, có mất mát, cả ốm đau và những nỗi sợ hãi rất thật trong mỗi con người.
“Khi nằm trong bệnh viện rồi, tôi mới thấy mình có một nỗi sợ là nỗi sợ giường bệnh - nỗi sợ bắt đầu từ nỗi sợ mùi thuốc khử trùng. Thường thì giường gợi cảm giác bình yên nhưng giường bệnh gợi cảm giác như ở nhà ga.
Và dường như ở bên cạnh nỗi sợ giường bệnh là nỗi sợ cái chết. Đôi khi người ta sợ chết vì thấy mình chưa hoàn thành công việc lẽ ra mình phải làm. Con người sinh ra trên cõi đời này không phải để dạo chơi mà là để đi công tác, để thực hiện một sứ mệnh nào đó. Dù nhiều người không biết công việc của mình khi đi công tác hay sứ mệnh của mình là gì. Tôi tự hỏi, ‘Mình có sợ chết không?’ Tôi tự bảo mình, ‘Ai mà chẳng sợ chết." (Ghi chép của đàn ông về nỗi sợ giường bệnh)
Đây là cuốn sách tiếp theo của tác giả Phan An sau những tập truyện ngắn và tản văn được xuất bản trước đây như: Giường (2007), Phong độ Đàn ông (2009), Những câu chuyện biển (2009), Những câu chuyện Sài Gòn (2009)…
Nhật Minh